Nhật điều tàu sân bay ‘dạo’ Biển Đông - Hình 1

Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Ảnh: Military Watch Magazine.

Gần đây báo chí Nhật Bản cho biết quân đội Nhật Bản sẽ điều tàu sân bay trực thăng lớp Izumo đến khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương tiến hành hoạt động.Nhưng Nhật sẽ không làm theo cách của Mỹ, mà chỉ đơn thuần là thúc đẩy chiến lược khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mang theo tinh thần hữu nghị, cùng phát triển.

Theo kế hoạch, tàu sân bay trực thăng lớp Izumo sẽ xuất phát vào tháng 8/2018, có kế hoạch đến thăm 6 nước, trong đó có Ấn Độ, Philippines; đồng thời có kế hoạch tham gia hội nghị với một số nước. 
Nhật Bản đề xuất, hiện nay, các nước có rất nhiều vấn đề về lợi ích trên biển. Nhật Bản tuyên bố sẽ hỗ trợ những nước còn kém về sức mạnh trên biển này tăng cường khả năng khai thác, sử dụng tài nguyên biển và xây dựng biển.

Quan chức Nhật Bản còn cho biết chuyến đi lần này của tàu sân bay trực thăngNhật Bản sẽ không trực tiếp đi vào vùng biển 12 hải lý của các đảo, đá ngầm trên Biển Đông như tàu chiến Mỹ, sẽ không thách thức nước khác mà sẽ tiến hành giao lưu, hợp tác bình thường với các nước. Nhật Bản mong muốn tiến hành các hoạt động giao lưu quân sự với Trung Quốc và các nước xung quanh, từ đó tăng cường hợp tác giữa các khu vực.

Tuy nhiên, Sina Trung Quốc lại tỏ thái độ dị nghị, lo ngại Nhật Bản sẽ không "nói đi đôi với làm", lo ngại Nhật Bản "khoác áo hữu nghị" để xâm phạm quyền lợi của nước khác. Rồi tờ báo này còn hăm dọa Trung Quốc sẽ không "cho phép" điều đó xảy ra.

Nhật điều tàu sân bay ‘dạo’ Biển Đông - Hình 2

Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo Nhật Bản. Ảnh: Sina.

Theo Sina, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản rất tinh tế, có lúc rất căng thẳng, có lúc lại có xu hướng hòa dịu. Trung Quốc mong muốn Nhật Bản giữ bình tĩnh, không vừa giữ quan hệ tốt với Trung Quốc, vừa theo đuổi chính sách liên kết với các nước khác ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc. 

Trung Quốc muốn giao hảo với các nước khác, nhưng sẽ không chấp nhận cách làm "hai mặt". Bởi vì, làm như vậy sẽ không đi được "đường xa", sẽ không có chung sống hữu nghị thực sự. 

Như vậy, sự lo ngại của Sina đã phần nào cho thấy Trung Quốc thực sự lo ngại về khả năng Nhật Bản có các hành động thực chất ở Biển Đông nhằm ngăn chặn và triệt tiêu hiệu quả từ các bước đi quân sự hóa đang gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

theo VietTimes