Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều nhóm giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện; đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; tích cực bổ sung các nguồn điện mới cho hệ thống; tập trung khắc phục các sự cố nguồn điện...

Cập nhật mới nhất về tình hình cung ứng điện, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 9/6, sản lượng toàn hệ thống điện miền Bắc 789,9 triệu kWh, thấp hơn 18 triệu kWh so với ngày 8/6. Trong đó, thủy điện đạt 48,2 triệu kWh, cao hơn 1 triệu kWh so với ngày 8/6; nhiệt điện 261,4 triệu kWh, thấp hơn 12 triệu kWh so với ngày 8/6.

Công suất đỉnh toàn hệ thống điện miền Bắc đạt 37.503 MW, thấp hơn 440 MW so với ngày 8/6.

Tính đến ngày 10/6, đã khắc phục sự cố và đưa vào vận hành một số tổ máy nhiệt điện (Nghi Sơn 1-S1: 300 MW; Thái Bình 1-S1: 300 MW; Quảng Ninh-S1: 300 MW), qua đó nâng tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc thêm khoảng 1.000MW, lên mức 20.321 MW, trong đó công suất khả dụng của thủy điện là 5.244 MW. Đã huy động 19 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 1221,12 MW.

Từ hôm nay, miền Bắc có thêm 1.000 MW công suất điện. (Ảnh: EVN)
Từ hôm nay, miền Bắc có thêm 1.000 MW công suất điện (Ảnh: EVN)

Nguyên nhân của việc đưa vào vận hành trở lại khoảng 1.000 MW công suất là một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố như Quảng Ninh, Nghi Sơn 1, Thái Bình 2 đã được xử lý khắc phục. Ngoài ra, trong vài ngày qua một số khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa nhỏ nên một số hồ thủy điện nhỏ có thêm nước để cải thiện phát điện.

Việc có thêm nguồn nhiệt điện 1.000 MW từ 3 nhà máy nhiệt điện nêu trên quay trở lại cung ứng sẽ giúp tình trạng cắt điện ở miền Bắc sẽ giảm bớt khá nhiều.

Theo thông tin mới nhất từ Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 đã và đang nỗ lực phát điện thương mại, xử lý các sự cố để đảm bảo sản xuất nhiều điện nhất cho đất nước, giảm thiểu lượng điện thiếu hụt cho miền Bắc.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cũng cho biết, hiện nay, lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện cầm chừng bằng lưu lượng nước về. Nhiều nhà máy vẫn phải dừng phát điện, chủ yếu tập trung khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ như Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành với lưu lượng và cột nước thấp dưới thiết kế.

Trước tình hình dự báo nắng nóng kéo dài, các chuyên gia khuyến cáo cần tăng cường tích nước các hồ thủy điện; đặc biệt sử dụng nước, điện hiệu quả, tiết kiệm. Dự báo trong vài ngày tới, khu vực Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, các hồ thủy điện tích cực tích nước để vượt qua mực nước chết.

Trong khi đó, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn liên tục đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn nhiệt điện nhằm ứng phó với tình trạng các hồ thủy điện lớn thiếu hụt nước.

Trang Nguyễn