Ngày 03/11, Sở Công Thương Hà Nội đi kiểm tra tình hình cung ứng, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn sau khi có phản ánh nhiều cây xăng đóng cửa hoặc bán giới hạn cho người dân.
Theo đại diện Sở Công Thương, thành phố hiện có 06 doanh nghiệp đầu mối và gần 20 thương nhân phân phối phục vụ cung ứng xăng dầu.
Gần đây, một số tỉnh, thành phố gặp khó khăn về nguồn cung ứng xăng dầu nên người dân, doanh nghiệp đang đổ dồn về thị trường Hà Nội mua xăng.
"Điều này tạo nên sức ép rất lớn đối với hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố", đại diện Sở Công Thương thông tin và cho biết trước đây, nhu cầu sử dụng xăng dầu ở Hà Nội là khoảng 146.000 m3/tháng nhưng đã tăng lên 20% trong hai tháng gần đây.
Ngoài ra, đơn vị lý giải với một số cửa hàng nhỏ, dung tích bể chứa có hạn trong khi nhu cầu tăng đột biến vào một số thời điểm nhất định. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ và phải chờ nhập hàng. Đồng thời, một số cửa hàng khống chế số lượng bán ra cho khách để hạn chế tình trạng thiếu hàng.

Trước đó, nhiều cây xăng tại một quận như Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa... treo biển thông báo hết xăng.
Chia sẻ với chúng tôi tại một cây xăng tư nhân trên địa bàn quận Hà Đông, chị Nguyễn Thị Thảo than thở không hiểu sao nhiều cây xăng lại đồng loạt treo thông báo “hết hàng.
“Tôi lái ô tô đi khắp các cây xăng từ Giảng Võ về Láng Hạ rồi vòng xuống Lê Văn Lương đã đi qua 05 cửa hàng, may mắn khi xe chỉ còn đi được 2 km nữa thì mua được xăng”, chị Thảo nói.
Anh Nguyễn Anh Ngọc, ở quận Tây Hồ, TP. Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, giá xăng đã tăng nhưng đi đổ xăng rất khó, có cửa hàng thì bán cầm chừng, có cửa hàng được trang bị 5 - 6 trụ bơm xăng nhưng chỉ có 02 trụ hoạt động.
Anh Nguyễn Chương, ở quận Đống Đa, TP. Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, việc đổ xăng đi làm hết sức khó khăn. Thậm chí, nhân viên cửa hàng xăng chỉ cho đổ tối đa 50.000 đồng.
“Trưa hôm qua tôi đổ xăng tại một cây trên đường Lê Văn Lương, thời điểm đó có hàng chục người đang xếp hàng. Sau khi đợi khoảng 20 phút, khi đến lượt mình, tôi khá bất ngờ khi nhân viên chỉ cho đổ 50.000 đồng. Nếu tôi không đồng ý sẽ bị yêu cầu di chuyển để người đi sau tiếp tục”, anh Chương nói.
Theo anh Chương, việc chỉ đổ được 50.000 đồng khiến anh rất bức xúc vì mất thời gian đợi khá lâu. Hơn nữa, việc đi xe ga mà chỉ đổ được số tiền này thì sẽ đi được rất ít.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong số 493 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, hiện chỉ có 20 cửa hàng đang được sở cho phép đóng cửa để cải tạo, sửa chữa; khoảng 360 cửa hàng (73%) do các đơn vị đầu mối cung cấp, bảo đảm đầy đủ nguồn cung và phục vụ không hạn chế. Còn lại, 27% tương đương hơn 130 cửa hàng là nhập từ các thương nhân phân phối.
Với việc số cửa hàng này gặp khó khăn trong nguồn cung, sở khuyến cáo người dân sang mua hàng ở các cây xăng của doanh nghiệp đầu mối để được phục vụ đầy đủ.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng xăng dầu ở Hà Nội tăng 15-20% do nhu cầu sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân và doanh nghiệp.
Sở Công Thương Hà Nội đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu liên quan đến việc tính giá cơ sở, bảo đảm chiết khấu cho các cửa hàng kinh doanh.
Thiên Trường