Kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực
Nhấn mạnh trong thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, sáng 22/5, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dù đối diện diện với nhiều khó khăn, thách thức trong và ngoài nước, nhưng nhờ những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh, đạt được nhiều kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Báo cáo nêu rõ: “Năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân tăng 3,15%, các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm…”.
Tuy nhiên, năm 2022, có 2/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt mục tiêu. Bên cạnh đó, nhiều hạn chế, tồn tại cũng cần khắc phục.
Với mức thu ngân sách vượt 28,6% so dự toán, không gian tài khóa bị bó hẹp do dự toán quá thấp. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục. Theo Ủy ban Kinh tế, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, lãi suất vẫn ở mức cao do việc kiểm soát lạm phát được chú trọng quá mức, cùng với đó việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng lại thực hiện quá chậm…
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng nêu: “Nền kinh tế trong tình trạng thiếu thanh khoản, trong khi số vốn đầu tư công chậm giải ngân, tồn đọng gửi tại Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng thấp, lạm phát thấp, lãi suất cao là những nghịch lý, thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ”.
Nhiều doanh nghiệp đối mặt với áp lực trả nợ lớn
Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế đánh giá tăng trưởng GDP trong những tháng đầu năm 2023 ở mức rất thấp. Tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%. Trong khi đó, nền kinh tế đã mở cửa sau kiểm soát dịch Covid-19. Cùng với nền thấp của cùng kỳ năm trước, dự báo việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là điều khó để đạt được.
So cùng kỳ năm trước, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2%, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25%. Dự kiến, trong thời gian tới, xu hướng này có thể có nhiều diễn biến phức tạp.
Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh: “Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến”.
Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao (khoảng 9,3%/năm) và tín dụng tăng trưởng đến cuối tháng 4 tăng thấp 2,75% so đầu năm.
Ủy ban Kinh tế đánh giá nhiều doanh nghiệp đang gặp khó: "Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn".
Sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp gặp khó, dừng hoạt động, đóng cửa.
Cùng với đó là nhiều yếu tố như ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông, sự điều hành, phối hợp chưa kịp thời từ thị trường xăng dầu, nhiều bất cập trong việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá điện tăng lên.
Đặc biệt, cơ cấu mua - bán giá điện bất hợp lý là vấn đề tồn đọng từ lâu và chưa được giải quyết. Điều này gây ra không ít khó khăn cho đời sống người dân, cũng như hoạt động của doanh nghiệp.
Đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tăng tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng và tăng mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, điều này vẫn phải đảm bảo cân đối ngân sách và bội chi ngân sách năm 2023 không vượt mức Quốc hội cho phép. Bên cạnh đó, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, cũng cần được điều chỉnh linh hoạt.
Các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, cần được thực hiện đồng bộ, cùng với tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Ủy ban Kinh tế đề nghị: Chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư theo quy định của pháp luật; những bất cập trong việc tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người đến gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp, bán chéo bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay vốn cần được xử lý kịp thời; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính; quy định về phòng cháy, chữa cháy cần được tháo gỡ những điểm khó; vấn đề kiểm định xe cơ giới cần được giải quyết dứt điểm.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, chúng ta cần khẩn trương rà soát, sửa đổi những bất cập trong quy định về kinh doanh xăng dầu và cơ chế giá điện, sao cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hồng Nhung(Th)