Tham dự buổi toạ đàm có đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính - truyền thông.

Phát biểu đề dẫn toạ đàm, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư cho biết: “Tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Ngành dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt của đất nước, hiện đang đóng góp tới 10% GDP của cả nước cũng đang trong quá trình thực hiện chủ trương quan trọng đó. Theo định hướng của PVN giai đoạn 2018-2025 về tái cấu trúc, sắp xếp các doanh nghiệp dầu khí, hoạt động thoái vốn sẽ được đẩy mạnh từ năm 2019, đi kèm với việc giảm tỷ lệ sở hữu của PVN tại các doanh nghiệp”.

“Để thực hiện thành công nhiệm vụ nói trên, hoạt động quan hệ cổ đông (IR) nói chung và hoạt động truyền thông, kết nối, quảng bá đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước nói riêng đóng vai trò hết sức quan trọng. Thực tế, những thương vụ IPO và chào sàn chứng khoán thành công của các doanh nghiệp ngành dầu khí gần đây như: Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí hay các doanh nghiệp thuộc các ngành khác như: VPBank, Tecombank, HDBank hay Vinhomes v.v…cho thấy: chỉ khi doanh nghiệp ý thức được tầm quan trọng của hoạt động IR, kết nối với các nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp, minh bạch hóa thông tin, chủ động cung cấp thông tin một cách đầy đủ, khách quan và kịp thời tới thị trường và các nhà đầu tư tiềm năng thì mới có khả năng thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư vào doanh nghiệp mình”, ông Tuấn cho hay.

Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến hoạt động quan hệ cổ đông - Hình 1

Toàn cảnh Toạ đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông doanh nghiệp ngành Dầu khí”

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh: “Chất lượng hoạt động IR nói chung và PR nói riêng không chỉ tác động trực tiếp tới giá cổ phiếu, giá trị doanh nghiệp mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”.    

  Tại toạ đàm, các đại biểu đã nghe các báo cáo, tham luận của các chuyên gia đầu ngành về vai trò quan trọng của hoạt động IR, đánh giá lại thực trạng hoạt động IR của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dầu khí. Bên cạnh đó, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động IR và PR trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và hoạt động giao dịch phù hợp với bối cảnh, đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thành viên HĐTV Đinh Văn Sơn đánh giá cao chất lượng của buổi toạ đàm sẽ mang lại hiệu quả thiết thực đối với các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn trong quá trình tái cấu trúc cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ông Sơn nhấn mạnh hoạt động IR bao gồm và gắn liền với các hoạt động PR. Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đều quan tâm và triển khai các hoạt động IR, PR rất thành công, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

Chính vì vậy, ông Sơn khẳng định buổi Toạ đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông doanh nghiệp ngành Dầu khí” là dịp dể PVN và các doanh nghiệp thành viên nhìn nhận lại, đánh giá lại công tác IR và PR của chính mình, lắng nghe các ý kiến chuyên gia để qua đó tìm ra các giải pháp, tháo gỡ các vướng mắc cho hoạt động IR hiện tại và định hướng lập kế hoạch, triển khai kế hoạch này trong thời gian tới.

Tại buổi toạ đàm, đại diện PVN cũng đã thông tin về kết quả hoạt động tái cấu trúc, cổ phần hoá các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn. Từ năm 2012, theo đề án Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước, định hướng trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, PVN đã xây dựng kế hoạch tái cấu trúc tập trung vào 5 lĩnh vực chính là: Thăm dò khai thác dầu khí; Lọc - hoá dầu; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện và Dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Đến nay, PVN đã đạt được những bước tiến đáng kể trong tiến trình tái cấu trúc phù hợp với xu thế phát triển trong điều kiện thực tế là việc thăm dò khai thác dầu khí ngày càng khó khăn mà nhu cầu năng lượng của đất nước ngày càng tăng cao. Trong tái cấu trúc thì công tác cổ phần hoá, thoái vốn đã đạt được kết quả rất tích cực góp phần cải tiến về quản trị doanh nghiệp hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đầu năm 2018, PVN đã cổ phần hoá thành công 3 doanh nghiệp lớn là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), gây tiếng vang lớn trên thị trường cũng như nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư trong nước cũng như ngoài nước. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của PVN nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong việc nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành chủ quản. Cũng từ đây, PVN đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Hiện nay, PVN đã trình cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, chính bởi lẽ đó, việc cổ phần hoá, thoái vốn các doanh nghiệp “họ Dầu khí” sẽ diễn ra sôi động.PVN 

Theo các đại biểu, tọa đàm sẽ là cơ hội quý để các chuyên gia đầu ngành và lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bài học thành công nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quan hệ nhà đầu tư và hoạt động truyền thông tại doanh nghiệp mình một cách hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao uy tín và giá trị doanh nghiệp trong con mắt nhà đầu tư, cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trúc Mai