Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas còn thờ ơ đến chống hàng giả - Hình 1

Lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương đã phát hiện và xử lý nhiều cơ sở kinh doanh gas vi phạm quy định của Nhà nước (Ảnh: TH)

Đó là một trong những đánh giá của BCĐ 389 tỉnh Hải Dương. Trước đó, thực hiện công văn số 01/BCĐ389-VPTT ngày 10/01/2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh gas, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kết quả.

Theo đó, đến hết năm 2017, trong hoạt động kinh doanh khí, trên địa bàn tỉnh hiện có các đơn vị như sau: Thương nhân đầu mối: 0 đơn vị; Tổng đại lý kinh doanh LPG: 08 thương nhân; Trạm nạp, Trạm cấp: 02 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG là: Công ty TNHH MTV kinh doanh dầu khí Việt Hải và Công ty cổ phần Hải Dương Gas. 01 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện Trạm cấp CNG là Công ty TNHH thương mại dịch vụ kỹ thuật Phúc Minh Sang; Có 495 cửa hàng bán lẻ LPG được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ theo quy định tại Nghị định 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 của Chính phủ.

Thực hiện công văn số 01/BCĐ389-VPTT lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện kiểm tra 23 cơ sở kinh doanh LPG, xử lý 20 vụ việc vi phạm, với các vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực ghi nhãn hàng hóa, đăng ký kinh doanh, niêm yết giá, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ... không có cơ sở nào vi phạm về cắt tai, mài vỏ; chiếm dụng để hoán cải chai LPG; san triết trái phép hoặc lưu thông phân phối chai LPG san triết trái phép…

Đối với việc xử lý vi phạm tại Công ty cổ phần Hải Dương Gas: Ngày 30/01/2018, UBND tỉnh có công văn số 268/UBND-VP về việc tham mưu xử lý vụ việc vi phạm pháp luật của Công ty cổ phần Hải Dương Gas, giao Sở Công Thương cùng Công an tỉnh và Sở Tư pháp rà soát, hoàn thiện hồ sơ, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý vụ việc.

Theo hồ sơ Công an tỉnh bàn giao, Sở Công Thương đã nghiên cứu và tiến hành thu thập hồ sơ bổ sung, đối chiếu quy định của pháp luật, thiết lập Biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của Công ty cổ phần Hải Dương Gas trong hoạt động triết nạp và kinh doanh khí.

Trên cơ sở lấy ý kiến của Công an tỉnh và Sở Tư pháp, ngày 05/4/2018 Sở Công Thương đã báo cáo và tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Hải Dương Gas số tiền là 260.000.000 đồng đối với các lỗi vi phạm trong hoạt động kinh doanh khí.

Hiện nay, việc cung cấp LPG cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu, không xảy ra thiếu hụt nguồn cung và giá cả không có biến động lớn. Tuy nhiên, nhiều năm nay lĩnh vực kinh doanh LPG diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp đầu mối (kể cả doanh nghiệp ngoài tỉnh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có trụ sở tại tỉnh Hải Dương) tranh giành thị trường bằng nhiều thủ đoạn rất khó kiểm soát, quản lý theo quy định hiện hành (do không đăng ký trụ sở chi nhánh trên địa bàn, vỏ chai LPG chưa có cơ chế đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước...) dẫn đến lộn xộn, tạo dư luận không tốt, cơ quan quản lý nhà nước bị động trong quản lý.

Do đặc thù phân bố dân cư và nhu cầu sử dụng của người dân nên có hiện tượng tại một số khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, một số cơ sở kinh doanh đã kinh doanh thêm LPG chai với số lượng rất nhỏ để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc xử lý về thủ tục, điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở này gặp nhiều khó khăn do chế tài xử lý cao trong khi trị giá hàng hóa, quy mô kinh doanh nhỏ lẻ, khó thi hành Quyết định xử phạt.

Quá trình sử dụng LPG chai của người dân thường xuyên có sự thay đổi về chủng loại, nhãn hiệu dẫn đến việc các cửa hàng đại lý, tổng đại lý, trạm triết nạp có tồn trữ chai LPG của thương nhân khác. Cơ chế đổi trả chai LPG giữa các doanh nghiệp phân phối, triết nạp chưa rõ ràng hoặc hợp đồng trao đổi chai LPG không được một số doanh nghiệp thực hiện nghiêm, tự ý dừng Hợp đồng trao đổi đã thỏa thuận.v.v. nên dễ xảy ra tình trạng chiếm dụng chai LPG của nhau, không kiểm soát niên hạn sử dụng của chai LPG lưu thông.

BCĐ 389 tỉnh Hải Dương đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có ý kiến đối với cơ quan thông tấn báo chí trung ương, trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh từ doanh nghiệp, hiệp hội cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ thông tin, tránh tình trạng các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng cạnh tranh không lành mạnh, tạo tình huống bất lợi (trong ngắn hạn) cho doanh nghiệp đối thủ; sau đó đưa thông tin phản ánh gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính, tạo dư luận không tốt cho môi trường đầu tư, kinh doanh của cả nước, các địa phương.

Kiến nghị Bộ Công Thương, trong quá trình tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 cần xem xét đưa quy định cụ thể yêu cầu thương nhân đầu mối kinh doanh LPG phải có hiện diện thương mại (phải đăng ký lập Chi nhánh) tại địa phương nơi thực hiện kinh doanh để các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chủ động, thuận tiện cho nắm bắt thông tin, có biện pháp quản lý hữu hiệu, đồng thời cũng tăng ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp khi hoạt động trên địa bàn.

Có quy định chặt chẽ việc kiểm soát chai LPG của các thương nhân, tập trung vào thiết lập hồ sơ vỏ chai, ngoài việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cần quy định thực hiện ghi nhãn hàng hóa đảm bảo đính trực tiếp vào vỏ chai LPG; thậm trí yêu cầu các thương nhân phải thực hiện dán tem (đã được đăng ký tại Sở Công Thương địa phương) vào vỏ chai của mình để phân biệt, kiểm soát chai LPG giữa mỗi doanh nghiệp, tránh việc sử dụng trái phép vỏ chai LPG như đang diễn ra hiện nay, không cơ quan Nhà nước nào kiểm soát được.

Phan Thúy