Ảnh minh hoạ
Theo kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có hướng mở rộng kinh doanh và trên 67% doanh nghiệp thành lập từ trước năm 2010 cũng có kế hoạch đầu tư mở rộng.
Kết quả khảo sát tình hình hoạt động kinh doanh từ 787 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy có 65,3% DN Nhật Bản đạt lợi nhuận cao trong năm 2018.
Trong đó, những DN thành lập từ trước năm 2010 có mức lợi nhuận ổn định hơn (chiếm 80%) do đã qua giai đoạn thu hồi vốn và đang sinh lợi nhuận. Còn từ năm 2011 đến nay thì tỷ lệ đạt lợi nhuận ổn định thấp hơn do đang trong thời gian thu hồi vốn.
Đánh giá về xu hướng đầu tư trong năm 2019, có đến 70% các DN Nhật Bản tại Việt Nam sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh, trong đó tập trung mạnh lĩnh vực công nghiệp chế tạo và thương mại, dịch vụ, hệ thống bán lẻ. Đa số DN Nhật Bản đều nhận định, quy mô thị trường và tính tăng trưởng vẫn là lợi thế lớn nhất môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Ngoài ra còn có những yếu tố thuận lợi khác như chi phí nhân công thấp, tình hình chính trị ổn định. Quan trọng hơn, tỷ lệ nhân viên thường xuyên nghỉ việc, cạnh tranh giá thành giữa các DN, thủ tục thông quan, thủ tục hành chính… đã được cải thiện.
So với môi trường đầu tư của các nước trong khu vực ASEAN, Tây Nam Á và châu Đại Dương, Việt Nam xếp vị trí thứ 4 nếu xét yếu tố tình hình chính trị - xã hội ổn định, chi phí nhân công giá rẻ; vị trí thứ 6 nếu xét ở quy mô và tính tăng trưởng thị trường và đứng vị trí thứ 12 về vấn đề rào cản ngôn ngữ.
Để duy trì vị trí dẫn đầu quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, thời gian qua các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã liên tục thực hiện các chương trình tìm hiểu, xúc tiến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong rất nhiều ngành và lĩnh vực.
Mới đây, khoảng 40 lãnh đạo cấp cao của các DN Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực thương mại tổng hợp, sản xuất máy móc, linh kiện, ô tô, ngân hàng, xây dựng, thực phẩm, hàng không… đã có chuyến thăm để tìm hiểu sâu và toàn diện hơn về tình hình, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của hai nước.
Đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, 4 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lao động, du lịch và nông nghiệp đang được kỳ vọng sẽ trở thành mũi nhọn mới thu hút đầu tư và hợp tác của DN hai nước.
Theo đánh giá của JETRO thời gian qua, các DN Nhật nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và nhiều tổ chức của Nhật Bản trong việc đầu tư sang Việt Nam như hỗ trợ các DN chi phí quảng cáo, cung cấp thông tin thị trường và giúp kết nối với các nhà đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện tốt để DN Nhật bán hàng tại Việt Nam.
Đây là một phần của chương trình hỗ trợ DN Nhật, nhất là DN nhỏ và vừa, tăng xuất khẩu hàng hóa ra thế giới và thị trường Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng được các DN Nhật Bản đánh giá cao về nhiều mặt.
Bên cạnh đó, việc tăng nhanh thu hút FDI của DN Nhật còn mở ra những cơ hội lớn về phát triển thương mại, tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường, thu hút thêm các nhà đầu tư khác đến Việt Nam để tận dụng cơ hội mang lại từ Hiệp định CPTPP.
Hà Trần