Theo ghi nhận của 9to5Mac, nhiều người dùng iPhone 16 Pro đang báo cáo gặp phải vấn đề liên quan đến màn hình cảm ứng của thiết bị.

Cụ thể, người dùng cho biết các thao tác chạm, vuốt thường bị gián đoạn, phản hồi chậm và không nhạy. Thậm chí nhiều trường hợp còn bị iPhone bỏ qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tác vụ hàng ngày như lướt web, vào app hay gõ bàn phím.

"Vấn đề xảy ra trên iPhone 16 Pro của tôi. Đôi khi các ứng dụng không phản hồi với các thao tác chạm và vuốt. Chức năng duy nhất hoạt động là vuốt màn hình chính để đóng ứng dụng", độc giả Peter của 9to5Mac cho biết.

"Tôi cũng gặp tình trạng tương tự. Tôi chưa nhận thấy vấn đề trên 15 Pro Max, nhưng nó lại rất nghiêm trọng trên chiếc 16 Pro Max. Cả hai đều chạy iOS 18.1 beta 4. Việc nhắn tin rất khó khăn do bàn phím nhảy loạn xạ", tài khoản Matthew bình luận.

Dựa trên các thử nghiệm và cảnh báo trên mạng xã hội Reddit, tình trạng này dường như bắt nguồn từ lỗi phần mềm, chứ không phải lỗi phần cứng. 

Vấn đề có thể đến từ việc người dùng vô tình kích hoạt thuật toán của tính năng chống chạm nhầm, khi vô tình tì tay vào phần viền màn hình. Ở trường hợp này, phần mềm thường bỏ qua tất cả thao tác mới trên màn hình trong một khoảng thời gian ngắn. Đây là nguyên nhân khiến các thao tác chạm và vuốt bị bỏ lỡ.

Vấn đề có thể bị trầm trọng hơn do viền màn hình của dòng iPhone 16 Pro được làm rất mỏng, dẫn đến việc da tay dễ dàng tiếp xúc với các cạnh của màn hình hơn.

Ngoài ra, khi iPhone 16 được ra mắt, người dùng phản ánh về hai lỗi nghiêm trọng gồm lỗi tự động khởi động lại và lỗi hệ thống.

Những lỗi này, cụ thể là ResetCounter.ips và panic-full.ips, đã được ghi nhận trong quá trình sử dụng iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max. Bản ghi ResetCounter.ips liên quan đến việc thiết bị tự khởi động lại khi gặp phải sự cố về phần cứng hoặc phần mềm. Khi một lỗi xảy ra, thiết bị sẽ tự động khởi động lại và tạo ra bản ghi này, giúp người dùng nhận biết được nguyên nhân gây ra sự cố.

Lỗi ResetCounter và panic-full trên iPhone 16
Lỗi ResetCounter và panic-full trên iPhone 16

Trong khi đó, bản ghi panic-full.ips được coi là một lỗi nghiêm trọng hơn, cho thấy iPhone đã gặp phải sự cố mà rất khó phục hồi, có thể xuất phát từ lỗi RAM, lỗi ở Storage Controller, hoặc do thiết bị bị rơi, tiếp xúc với nước, gây hư hại linh kiện bên trong.

Khoảng một tuần trở lại đây, một số người dùng tại Việt Nam đã phản ánh về việc thiết bị của họ tự động khởi động lại, xuất hiện hai bản ghi lỗi trên chỉ sau vài ngày sử dụng.

Đáng chú ý, hầu hết người dùng gặp phải sự cố này đều đang sử dụng phiên bản iOS 18 chính thức, một số ít đã thử nghiệm với phiên bản beta. Điều này đặt ra câu hỏi về quy trình kiểm tra chất lượng của Apple trước khi ra mắt sản phẩm mới.

Nhiều người dùng không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu cũng đã gặp phải những vấn đề tương tự. Một tài khoản trên diễn đàn Reddit đã báo cáo rằng thiết bị đã ghi nhận tới 20 lần lỗi panic-full và sau khi đổi sang chiếc iPhone 16 mới, tình trạng vẫn không được cải thiện.

Trước đó, năm 2022, với iPhone 14 Pro Max, Apple đã phải đối mặt với tình trạng xanh màn hình, hiện tượng tróc sơn và camera rung lắc không kiểm soát. Chưa dừng lại ở đó, năm 2023, iPhone 15 Pro lại bị chỉ trích vì hiện tượng nóng máy và quá nhiệt trong những bản cập nhật iOS đầu tiên.

Phương Thảo(t/h)