Ảnh minh họa
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội khóa XIV về công tác kiểm toán năm 2020 đã “điểm danh” một số ngân hàng vượt hạn mức tín dụng như: Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVCombank) vượt trần 13.656 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) 8.654 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) 3.153 tỷ đồng; Ngân hàng Shinhan Bank 132 tỷ đồng; Ngân hàng Mizuho-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh 192 tỷ đồng; Ngân hàng Busan Chi nhánh TP Hồ Chí Minh 83 tỷ đồng; Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga 69 tỷ đồng.
Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm là 14%, đồng thời phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho từng ngân hàng. Tuy nhiên, do nhu cầu vay vốn cao của thị trường nên một số ngân hàng đã “chạm trần” tín dụng, thậm chí ngay từ khi mới qua 6 tháng.
Trước tình hình đó, phía Ngân hàng Nhà nước đã cho biết sẽ xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tùy từng ngân hàng nhưng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, các ngân hàng cho vay vượt chỉ tiêu tín dụng được cấp là vi phạm, sẽ không được nới hạn mức. Kết quả là tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 13% so với cuối 2018.
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/9/2020, tín dụng tăng trưởng 6,09% so với cuối năm 2019.
Tăng trưởng tín dụng theo ngành kinh tế như sau: dư nợ ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn 63%, có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 6,32%; dư nợ ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 5,89%, chiếm tỷ trọng 28,75%; tín dụng đối với ngành nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 8,66%, ước tăng 5,09%.
Về tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên, vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là một số lĩnh vực đang tận dụng được lợi thế trong bối cảnh mới như tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 7%, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 5%, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 5,5%.
Trang Nguyễn