JAPANSHOP.VN cơ sở Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
JAPANSHOP.VN cơ sở Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Nhiều sản phẩm mỹ phẩm nước ngoài sản xuất không có tem nhãn phụ Tiếng Việt

Theo tìm hiểu của phóng viên, Chuỗi cửa hàng JAPANSHOP.VN có 7 cửa hàng ở Hà Nội nằm tại các địa chỉ: 42a Đỗ Quang - Cầu Giấy, Hà Nội; 46 Trung Hoà - Cầu Giấy, Hà Nội; Nguyễn Văn Lộc, Hà Đông, Hà Nội; Ki ốt 2, CT4, KĐT Mỹ Đình 2; Số 40 Trần Đăng Ninh - Cầu Giấy - Hà Nội; Park 01, SH 02 Times city 458 Minh Khai - Quận Hoàng Mai, Hà Nội; LKA10 Embassy Garden, Ngoại Giao Đoàn, Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội.

Trong vai người mua hàng, ngày 24/5 phóng viên đã “mục sở thị” tại 2 cơ sở JAPANSHOP.VN 42a Đỗ Quang - Cầu Giấy Hà Nội; Số 40 Trần Đăng Ninh - Cầu Giấy. Theo quan sát của phóng viên, các cở sở này khá rộng rãi, bày bán rất nhiều các mặt hàng đa dạng như:  mỹ phẩm, chăm sóc da, chăm sóc cơ thể cho người lớn, trẻ em và thực phẩm chức năng, vitamin, collagen… Bên cạnh các mặt hàng có đầy đủ tem, nhãn mác theo quy định thì tại đây cũng có nhiều sản phẩm không dán tem nhãn phụ Tiếng Việt.

La liệt các sản phẩm không tem nhãn phụ tại JAPANSHOP.VN.
Các sản phẩm không tem nhãn phụ tại JAPANSHOP.VN

Thông thường, các sản phẩm chăm sóc da sẽ được chỉ định sử dụng trên nền những loại da khác nhau, nếu không sẽ gây kích ứng cho người dùng. Tương tự như vậy, các dòng thực phẩm chức năng cũng được chỉ định dành cho những đối tượng nhất định. Đặc biệt, khi sử dụng thực phẩm chức năng phải có tư vấn của bác sĩ, những sản phẩm không rõ nguồn gốc sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, đa số các TPCN được bày bán tại các cửa hàng JAPANSHOP.VN đều không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, hoặc nhãn phụ sơ sài thiếu thông tin cần thiết. Điều này thật sự gây khó khăn cho người mua hàng khi tìm hiểu về thông tin của sản phẩm, nếu muốn biết phải nhờ đến nhân viên bán hàng, mà liệu nhân viên bán hàng có nắm rõ được hết các công dụng của sản phẩm, có chịu trách nhiệm khi tư vấn?

Phóng viên thắc mắc về một sản phẩm thực phẩm chức năng dành cho người tiểu đường và huyết áp cao được bày bán tại cơ sở 188 P. Nguyễn Văn Lộc, Mỗ Lao, Hà Đông. Vỏ sản phẩm có các dòng chữ của Nhật Bản, nhưng không có bất cứ thông tin nào của nhà nhập khẩu, cũng như tem phụ bằng Tiếng Việt, không dịch được tiếng trên vỏ hộp.

Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, nữ nhân viên tại đây cho biết: “ Đây là Viên uống hỗ trợ bệnh tiểu đường Insuna” bệnh nhân sau khi xạ trị ung thư có thể sử dụng được, bởi vì nó không có Vitamin E và collagen, sản phẩm này có thể sử dụng cho người bị tiểu đường và huyết áp cao.

Ngoài ra khi được hỏi về sản phẩm dành cho người bị ung thư, cũng theo tư vấn từ nhân viên này, cửa hàng hiện đang bán sản phẩm: Tảo hỗ trợ phòng ngừa ung thư Fucoidan, có thể sử dụng cho người bị ung thư, có tác dụng tăng sức đề kháng, đỡ tế bào ung thư phát triển, giảm đau cho những người đã xạ trị, người nhiều bệnh nền thì nên sử dụng loại thực phẩm chức năng này.

Tại một cửa hàng khác nằm trong chuỗi cửa hàng Japanshop.vn, khi được hỏi về liều lượng sử dụng viên uống Tảo hỗ trợ phòng ngừa ung thư Fucoidan xanh, nhân viên tư vấn nên sử dụng 6 viên/ngày sau khi xem nhãn mác bằng tiếng Nhật ghi đằng sau hộp, sản phẩm không có nhãn phụ Tiếng Việt. Điều đáng chú ý ở đây là nhân viên khẳng định không biết tiếng Nhật, và chỉ xem và biết được cách sử dụng sản phẩm bởi vì đã quen.

Thực phẩm chức năng (TPCN) là con dao 2 lưỡi, trước khi sử dụng phải xem cơ thể có cần thiết phải bổ sung hay không. Đặc biệt, khi sử dụng thực phẩm chức năng phải có tư vấn của bác sĩ, lưu ý rằng những sản phẩm không rõ nguồn gốc sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nhưng liệu rằng nhân viên tại các cơ sở Japanshop có đầy đủ kiến thức chuyên môn, và sẽ là người chịu trách nhiệm khi tư vấn hay không?

Nhằm thông tin rõ hơn về quy cách kinh doanh của đơn vị, phóng viên có tìm hiểu thêm tại nhiều cửa hàng của JAPANSHOP.VN tại TP.Hà Nội, nhận thấy rất nhiều cơ sở của  JAPANSHOP.VN có chung một thực trạng trên.

Cũng theo quan sát của phóng viên, rất nhiều sản phẩm được bày bán trong hệ thống JAPANSHOP.VN, không có nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định của pháp luật. Trong khi những mặt hàng này chủ yếu về chăm sóc sức khỏe như bôi trược tiếp lên da hoặc dùng để uống, vậy liệu ai có thể đảm bảo về chất lượng của sản phẩm sẽ không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng?

Câu hỏi đặt ra: Người sử dụng sẽ ra sao nếu mua phải những mặt hàng rởm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường?

Khi có sự cố xảy ra, tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng?...

Rất nhiều các mặt hàng đa dạng như: mỹ phẩm, chăm sóc da, chăm sóc cơ thể cho người lớn lẫn trẻ em và thực phẩm chức năng, đều không được dán tem nhãn phụ
Rất nhiều các mặt hàng đa dạng như: mỹ phẩm, chăm sóc da, chăm sóc cơ thể cho người lớn lẫn trẻ em và thực phẩm chức năng, đều không được dán tem nhãn phụ.

Để rộng đường dư luận, phóng viên có buổi trao đổi với đại diện của công ty OHF và chuỗi cửa hàng JAPANSHOP.VN cho hay: "OHF là công ty nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam” Không chịu trách nhiệm toàn bộ sản phẩm tại chuỗi cửa hàng JAPANSHOP.VN, chỉ chịu trách nhiệm do sản phẩm OHF phân phối, hàng 100% xuất khẩu từ Nhật”. Tại cửa hàng nhiều mặt hàng không có nhãn phụ: “Khách hàng những người sành mua hàng không thích có nhãn phụ, có chỉ đạo cho nhân viên dán, nhưng chỉ dán điểm” – Đại diện cho biết thêm.

 Quy định về tem nhãn

Theo quy định của pháp luật, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.

Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Nhưng nhiều sản phẩm bày bán tại JAPANSHOP.VN chỉ thấy có chữ nước ngoài, không thấy có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo như quy định. Việc này khiến người tiêu dùng khó khăn khi tìm hiểu về sản phẩm, vừa vi phạm quy định của pháp luật, vừa khiến nhiều khách hàng đặt ra câu hỏi về nguồn gốc hàng hoá này như thế nào mà lại không có tem nhãn phụ theo quy định?

 Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng trốn thuế... đối với mặt hàng mỹ phẩm nói riêng đang là thực trạng đáng quan ngại ở Việt Nam hiện nay, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Còn tiếp ......

Kim Khánh - Thuỳ Linh