Theo kế hoạch, Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” sẽ được tổ chức từ ngày 1 đến 9/5/2019, tại 2 địa điểm: Tổ chức triển lãm ngoài trời từ điểm cầu vượt đường Đại lộ Lê Lợi đến Khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ và tại Trung tâm Truyền hình - Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh Thanh Hóa.

Nội dung triển lãm tư liệu, tài liệu lưu trữ, sách báo, hình ảnh, hiện vật triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” gồm 4 phần chính: Thanh Hóa thời tiền sử - sơ sử; Thanh Hóa thời kỳ phong kiến và thuộc địa nửa phong kiến; Thanh Hóa thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1945 - 1975); Thanh Hóa trong thời kỳ đổi mới. Nội dung trưng bày triển lãm có tính khái quát cao, phản ánh được cơ bản quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Thanh Hóa; những đóng góp của Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ lịch sử; những thành tựu, kết quả tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh; nét đặc trưng của vùng đất xứ Thanh...

Nhiều tư liệu quý sẽ được trưng bày tại Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” - Hình 1

Nhiều tư liệu quý sẽ được trưng bày tại triển lãm "Thanh Hóa xưa và nay" (Ảnh báo Thanh Hóa)

Với quy mô và khối lượng công việc khá nhiều, để chuẩn bị cho triển lãm diễn ra thành công tốt đẹp, công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật và các điều kiện khác đang được các đơn vị phân công tập trung thực hiện. Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh đã chủ động khai thác tư liệu ảnh, hiện vật tại 4 nguồn, gồm: Trung tâm Lưu trữ quốc gia; Bảo tàng tỉnh; Trung tâm Truyền hình và Triển lãm – Hội chợ - Quảng cáo tỉnh; các tổ chức đoàn thể, cá nhân và đã khai thác, tập hợp được hơn 700 hình ảnh tư liệu thể hiện khá đầy đủ 4 phần nội dung Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay”, trong đó có cả châu bản, mộc bản của Trung tâm Lưu trữ quốc gia. Vừa qua, trung tâm đã thành lập Hội đồng thẩm định nội dung Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” bao gồm các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa có uy tín và nhiều kinh nghiệm của tỉnh đã thực hiện lựa chọn nội dung, hình ảnh, tư liệu và bàn cách thức để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Trung tâm Triển lãm – Hội chợ - Quảng cáo tỉnh cũng đã xây dựng thiết kế ma két tổng thể nội thất, ngoại thất triển lãm ngoài trời, trong nhà và đã được ban tổ chức duyệt, đang tiến hành thi công ở các công đoạn.

Đến với Bảo tàng Thanh Hóa vào thời điểm này, cán bộ, nhân viên, người lao động đang tích cực chuẩn bị cho các đợt trưng bày hướng về kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa với tư cách đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Ngay từ năm 2018, Bảo tàng Thanh Hóa đã xây dựng đề cương, nội dung chi tiết để hưởng ứng sự kiện này và sẽ tổ chức 3 cuộc trưng bày, gồm: “Dấu ấn vương triều Lý trên đất Thanh Hóa”, “cổ vật Lý – Trần trên đất Thanh Hóa”; “Thanh Hóa xưa và nay”. Trong đó, triển lãm với chủ đề “Thanh Hóa xưa và nay” được Bảo tàng Thanh Hóa phối hợp với Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp hơn 100 hiện vật, đảm bảo tính lịch sử, khoa học và phù hợp với chủ đề triển lãm, thể hiện được quá trình xây dựng và phát triển của Thanh Hóa giới thiệu đến công chúng, để mọi người hiểu, yêu và chung tay bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa đó.

Cùng với đó, các đơn vị khác như: Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng cung cấp tư liệu phim có liên quan cho Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh Thanh Hóa chiếu tại triển lãm. Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa, Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh, Thư viện tỉnh cũng đang tích cực sưu tầm để cung cấp tư liệu, tài liệu, hiện vật, sách, báo, ảnh liên quan đến chủ đề của Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay”... Bên cạnh sự chuẩn bị của các cơ quan, đơn vị, có một số cá nhân với lòng nhiệt huyết, tình yêu và trách nhiệm với quê hương đã đóng góp tích cực cho triển lãm lần này, trong đó có ông Nguyễn Hữu Ngôn, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Thanh Hóa đã dày công sưu tầm, thu thập nhiều tư liệu quý và lựa chọn những hiện vật đặc sắc, giá trị nhất về đất và người, truyền thống văn hóa lịch sử của xứ Thanh để tham gia trưng bày tại triển lãm.

Hoài Thu