ảnh minh hoạ
ảnh minh hoạ.

Đáng chú ý nhất tại dự thảo này là việc điều chỉnh quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD nhận chuyển giao bắt buộc.

Theo đó, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) vượt giới hạn quy định khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc".

Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo kế hoạch, có 04 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 04 ngân hàng yếu kém. Trong đó có 02 ngân hàng nhận chuyển giao tại phương án có đề xuất được nâng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.

Với phương án điều chỉnh quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao sẽ có 02 ngân hàng thương mại cổ phần (chiếm 3,13% tổng số ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam; 6,59% tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam; chiếm 5,26% thị phần huy động và 5,49% thị phần cho vay đối với thị trường 1 (các tổ chức kinh tế và dân cư) của toàn hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam tại thời điểm 30/06/2022).

Nhiều ngân hàng kín room ngoại, có ngân hàng khóa room ngoại chờ đối tác chiến lược. Hiện có khoảng 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%. Trong đó, 07 ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn còn nguyên 100% room ngoại hoặc tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp như: SeABank, Bac A Bank, VietCapital Bank, KienLongBank, PG Bank, VietABank, VietBank, SHB, LienVietPostBank,…Nguyên nhân là nhiều ngân hàng chủ động khoá room ngoại để chờ đối tác chiến lược.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thời gian qua Việt Nam mở cửa lĩnh vực tiền tệ ngân hàng khá là sâu rộng và có sự hiện diện thương mại tương đối nhiều của TCTD nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Cụ thể, nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang tiếp tục mở rộng mạng lưới và tăng vốn điều lệ (ví dụ Standard Chartered năm 2021 đã tăng vốn điều lệ từ 4.200 tỷ đồng lên 6.900 tỷ đồng, Ngân hàng UOB Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng). Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng tăng quy mô vốn được cấp (ví dụ: NongHyup - chi nhánh Hà Nội tăng vốn từ 35 triệu USD lên 80 triệu USD, Bank of China - chi nhánh TP. HCM tăng vốn từ 80 triệu USD lên 100 triệu USD…).

Hiện nay, có 27/31 ngân hàng thương mại cổ phần đã được niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài (ngoại trừ nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn) dễ dàng rút vốn ra khỏi ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam khi có biến động lớn về kinh tế trong nước hoặc trên thế giới, sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt trong tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước có nhiều biến động như hiện nay.

Thực tế, khoảng 05 năm trở lại đây, đã có hiện tượng một số ngân hàng nước ngoài (chủ yếu từ Châu Âu) dần dần rút vốn đầu tư ra khỏi ngân hàng trong nước, chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hoặc các ngân hàng Châu Á từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.

Việc nhà đầu tư nước ngoài (cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược) thoái vốn hoặc chuyển các khoản đầu tư của họ cho cổ đông khác đồng nghĩa với việc ngân hàng có thể mất đi phần lợi ích từ nhóm khách hàng do nhà đầu tư nước ngoài mang lại (nhóm khách hàng có thể chuyển sang dịch vụ của những tổ chức khác có quan hệ với nhà đầu tư hoặc với TCTD do nhà đầu tư nước ngoài thành lập/tham gia góp vốn).

Phương Thảo (t/h)