Một số doanh nghiệp kinh doanh thiết bị điện mặt trời áp mái cho biết do dịch Covid-19 và việc kiểm tra chất lượng của cơ quan chức năng, tình hình nhập khẩu thiết bị, công nghệ dùng trong lĩnh vực điện mặt trời áp mái giảm sản lượng so với trước.

Được biết các loại thiết bị, công nghệ của lĩnh vực điện mặt trời áp mái tại thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu, nên một số công trình lắp đặt có công suất lớn hiện đang chậm tiến độ thi công so với dự kiến. Tuy nhiên, nhìn toàn cục thị trường điện mặt trời áp mái tại khu vực miền Nam, chỉ số phát triển vẫn tiếp tục tăng so với hồi đầu năm, nhất là khách hàng doanh nghiệp.

Nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái của các doanh nghiệp phía Nam gia tăngNhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái của các doanh nghiệp phía Nam gia tăng

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - cho biết, trong tháng 10/2020, tại miền Nam đã phát triển thêm 4.610 khách hàng lắp đặt ĐMTAM, tổng công suất tấm pin lắp đặt là 248.710 kWp.

Ngoài lượng khách hàng tiếp tục đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái gia tăng, theo ông Nguyễn Văn Lý, các nhà máy điện mặt trời cũng đang chạy nước rút để hoàn thành các hạng mục thi công, sớm vận hành phát điện.

Tính đến cuối tháng 10/2020, có 57 nhà máy điện mặt trời tại miền Nam đã đóng điện với tổng công suất lắp đặt là 2.809,35 MWp, chủ yếu tọa lạc trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Long An, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Theo đánh giá của các doanh nghiệp kinh doanh điện mặt trời áp mái, số lượng khách hàng và công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái tiếp tục gia tăng ở khu vực miền Nam do gói đầu tư mang hiệu quả lớn về kinh tế cho khách hàng.

Ông Nguyễn Hùng - Chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị ĐMTAM ở khu vực miền Đông Nam bộ chia sẻ: "Do thiết bị, công nghệ ngày càng rẻ và thị trường cạnh tranh cao vì nhiều DN tham gia, dẫn đến khách hàng nhận được nhiều sự ưu đãi trong đầu tư, hậu mãi về bảo trì cũng là yếu tố làm tăng lượng khách hàng".

PV