Những điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh
Cụ thể, một số điểm sáng trong hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong 11 tháng năm 2023 đó là so cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng trở lại, xuất khẩu tuy chưa tăng, nhưng mức suy giảm tiếp tục được thu hẹp. Cụ thể:
Lũy kế 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp đã tăng 1% so cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm, cho thấy xu hướng phục hồi tích cực (IIP lũy kế đến hết 8 tháng đều giảm; IIP lũy kế 9 tháng chỉ tăng 0,2%; IIP luỹ kế 10 tháng chỉ tăng 0,6%);
Mức độ suy giảm trong xuất khẩu ngày càng được thu hẹp, từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023, xuống còn 5,9% trong 11 tháng năm 2023.
Trong xuất khẩu, chúng ta đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm (như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản), nhưng xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng.
Mức giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực dần được thu hẹp so nửa đầu năm (mức giảm xuất khẩu sang Mỹ thu hẹp từ 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống 13,1%; sang EU thu hẹp từ 10,1% xuống 8,1%; sang Hàn Quốc thu hẹp từ 10,2% xuống 4%...).
Mức giảm xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (giảm 2,2%) thấp hơn nhiều so mức giảm xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô, giảm 7,1%), cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Trong 11 tháng năm 2023, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 66%.
Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu, đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 11 tháng năm 2023 (tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước).
Thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2%, sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng), trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
Cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.
Hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới, do được hỗ trợ bởi các yếu tố thuận lợi từ môi trường quốc tế và trong nước. Lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu…; tồn kho tại các nước đang giảm dần; nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam có tín hiệu tích cực.
Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư (Trung Quốc +1), sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Vai trò của Việt Nam ngày càng cao trong Khối ASEAN cùng với việc khu vực này là trọng tâm ảnh hưởng của các nước khu vực thị trường lớn và cũng là một trong những khu vực vẫn duy trì được sức tăng trưởng và nội lực kinh tế khiến ASEAN - trở thành thị trường ngày càng quan trọng trong chính sách đối ngoại và kinh tế của các nước: EU xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Hoa Kỳ thúc đẩy đàm phán IPEF, Anh đàm phán thành công gia nhập CPTPP... cũng sẽ tạo thuận lợi đối với các hoạt động đầu tư và sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.
Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức, sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thời gian tới.
Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.
Những khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, xuất nhập khẩu trong 11 tháng năm 2023 vẫn suy giảm (giảm 5,9%), trong khi hoạt động sản xuất công nghiệp chỉ phục hồi nhẹ (tăng 1%) so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do:
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại trong bối cảnh lạm phát cao ở các nước phát triển, nhất là ở các nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, các nước EU dẫn đến tổng cầu tiêu dùng thế giới sụt giảm.
Xu hướng hàng rào bảo hộ gia tăng:
Tính đến tháng 11/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 238 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (132 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (48 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (35 vụ việc) và chống trợ cấp (23 vụ việc).
Bên cạnh số lượng lớn vụ việc nước ngoài điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, một số thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có thị trường Hoa Kỳ, cũng tăng cường các hoạt động điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Trong số vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, có một số vụ việc liên quan đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ...
Các ngành sản xuất công nghiệp trong nước, chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu, do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn - là đối tác xuất khẩu của Việt Nam, tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ, do những khó khăn về phục hồi kinh tế và hàng tồn kho ở mức cao, khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hoá từ các thị trường này sụt giảm.
Tại Trung Quốc, sản xuất và tăng trưởng kinh tế đối mặt với rủi ro lan truyền từ thị trường bất động sản sang thị trường tài chính (chỉ số PMI của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 11, đạt 49,4 điểm so mức 49,5 của tháng 10/2023).
Kinh tế Mỹ, quý III mặc dù tăng 5,2%, nhưng phục hồi chưa bền vững, tiềm ẩn rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 (tháng 11/2023, tổ chức xếp hạng Moody’s đã hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”). Nền kinh tế các nước EU tiếp tục có dấu hiệu suy thoái.
Đà phục hồi chậm đối với xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ... Trong khi đó, giá hàng hoá xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2023 so cùng kỳ năm 2022 đi xuống. Đặc biệt, đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, giảm mạnh ở mức 2 con số, làm giảm tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước như cao su giảm 14,7%, dầu thô giảm 17,4%, hạt tiêu giảm 21,3%, phân bón giảm 34,3%, sắt thép giảm 22,9%...
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại, cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của chúng ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng.
Theo dự báo, thời gian tới, tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng.
Kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Tăng trưởng thương mại, đầu tư toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, nguy cơ tiềm tàng từ căng thẳng địa chính trị; khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào còn tiếp diễn.
Các dự báo về lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chưa thống nhất. Các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh và biến đổi khí hậu trở thành rủi ro thường trực.
Trong nước, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong phục hồi sản xuất, kinh doanh, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá - tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu trong nước.
Việc tiếp tục thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA... cũng sẽ khiến sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước gia tăng, cùng với xu hướng gia tăng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...
Nguyễn Thị Như Phượng - Trường ĐHCN Việt - Hung