Năm 2022, công tác tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được Tổng cục chủ động hướng dẫn, đôn đốc và phối hợp các Bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm sản phẩm hàng hóa (SPHH) chủ lực, hàng hóa chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần cho phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia thực hiện (WTO/TBT, EVFTA, CPTPP,…).

Tổng cục là cơ quan đầu mối hướng dẫn, tổng hợp, lập và trình phê duyệt kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN); tổ chức tốt công tác tiếp nhận, góp ý, thẩm định, trình Bộ KH&CN công bố 496 TCVN (tăng 27,5% so với năm 2021), tập trung vào các lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản phẩm nông nghiệp, tự động hóa, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, kiểm soát môi trường, giao thông đường bộ, vật liệu và công trình xây dựng, an ninh thông tin,…; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện việc xây dựng, soát xét TCVN theo kế hoạch đã được Bộ KH&CN phê duyệt; tham mưu Bộ KH&CN góp ý, tiếp nhận và thẩm định 32 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) (giảm 18% so với năm 2021) của các Bộ quản lý chuyên ngành đảm bảo công tác quản lý nhà nước và hạn chế các rào cản, thủ tục hành chính, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; hướng dẫn, góp ý 31 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) (tăng 24% so với năm 2021).

Tổng cục tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cung cấp thông tin phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, duy trì việc cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến lĩnh vực quản lý rủi ro, trang thiết bị y tế (máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn…)

Trong công tác quản lý về đo lường, Tổng cục thực hiện xây dựng, trình ban hành 13 văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN); thành lập 62 đoàn đánh giá tại cơ sở đối với các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 100 lượt đơn vị (giảm 37% so với năm 2021); chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 72 lượt đơn vị (giảm 44% so với năm 2021); chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 cho 137 lượt đơn vị (giảm 13% so với năm 2021); chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường cho 175 lượt đơn vị (giảm 18% so với năm 2021); phê duyệt 3321 mẫu phư­ơng tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước (giảm 19% so với năm 2021); chỉ định tổ chức kiểm định đối chứng đồng hồ nước lạnh và công tơ điện cho 25 lượt đơn vị (tăng 47% so với năm 2021); hướng dẫn hơn 400 tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo, cách ghi định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn, đăng ký và chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường… Bên cạnh đó, Tổng cục tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996) theo kế hoạch, mục tiêu của đề án với một số kết quả nổi bật góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, Tổng cục đang triển khai xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia NQI theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế”.

Trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng cục tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố, tổ chức doanh nghiệp và cá nhân thực hiện đầy đủ quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các VBQPPL dưới luật, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai, áp dụng liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) và quản lý chất lượng SPHH, đặc biệt là SPHH nhóm 2 của Bộ KH&CN quản lý.

Trong công tác thanh kiểm tra, Tổng cục đã thực hiện kiểm tra, khảo sát chất lượng hàng hóa trong sản xuất, lưu thông 49 đợt (gồm 35 đợt kiểm tra và 14 đợt khảo sát) tại 331 cơ sở; Thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa trong nhập khẩu; Thực hiện kiểm tra các tổ chức đăng ký hoạt động lĩnh vực TCĐLCL.

Trong hoạt động hợp tác quốc tế, Tổng cục tiếp tục thực hiện tốt vai trò là đại diện của Việt Nam tham gia 14 tổ chức quốc tế và khu vực về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, năng suất và mã số mã vạch như ISO, IEC, CGPM, ASEAN/ACCSQ, APEC/SCSC, PASC, APO, APMP, OIML, GS1… Đặc biệt năm 2022, Tổng cục đảm nhiệm tốt vai trò quan trọng của Việt Nam trong ASEAN nhiệm kỳ 2021 – 2022 như Chủ tịch Nhóm công tác cao su ASEAN (ACCSQ/RBPWG) và Chủ tịch Ủy ban hỗn hợp điện – điện tử ASEAN (JSC/EEE); hoàn thành tốt vai trò trưởng đoàn Việt Nam tham gia các phiên họp của tổ chức quốc tế và khu vực mà Tổng cục là thành viên. Ngoài ra, Tổng cục cũng tổ chức thảo luận và triển khai kế hoạch hợp tác với các đối tác Úc, Anh, Ấn Độ, Đức và phối hợp với các đối tác như ASTM (Hoa Kỳ), SA (Úc) tổ chức các hội thảo, khoá đào tạo cho các cán bộ làm công tác TCĐLCL và các doanh nghiệp của Việt Nam có quan tâm; phối hợp Viện Vật lý kỹ thuật Đức (PTB) triển khai Dự án “Hỗ trợ các dịch vụ đảm bảo chất lượng phát triển năng lượng bền vững”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong hoạt động năng suất chất lượng, Tổng cục đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch để triển khai Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 1322); hoàn thiện ký hợp đồng với các tổ chức chủ trì 29 nhiệm vụ thực hiện từ năm 2022; trình Lãnh đạo Bộ ký Công văn số 949/BKHCN-TĐC ngày 04/5/2022 gửi Bộ ngành, địa phương triển khai đề xuất nhiệm vụ năm 2023 và Thông báo số 950/TB-BKHCN ngày 04/5/2022 về đề xuất các nhiệm vụ năm 2023; thực hiện công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN, Tổng cục và của Chương trình NSCL; trình Bộ trưởng ký ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BKHCN ngày 12/10/2022 quy định quản lý Chương trình 1322, Chương trình sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế và góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo GII thông qua các chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ số ISO 9001, ISO 14001, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý năng suất chất lượng ở Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, viện, trường…

Triển khai Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ KH&CN ban hành Quyết định số 1721/QĐ-BKHCN ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 năm 2022 về các nhiệm vụ nâng cao đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021–2030, đồng thời ban hành Quyết định số 1930/QĐ-TĐC ngày 15/11/2022 thành lập Tổ Công tác và Nhóm giúp việc thực hiện Quyết định số 1721/QĐ-TĐC.

Minh Anh (t/h)