Vậy, những đơn vị nào đang khai thác cát trên khúc sông này?
Mũi kè L06 đổ gẫy, trách nhiệm thuộc về ai?
Thương hiệu & Công luận đã thông tin, Dự án xây dựng kè nắn dòng có tổng mức đầu tư 84.110.125.000 đồng, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư. Sau đó, dự án được giao cho Ban quản lý Các dự án đường thủy - PMU-W (Bộ Giao thông vận tải) là đại diện chủ đầu tư. Nhà thầu chính là Liên danh Thanh Xuân và Vinacco thực hiện.
Mục tiêu của việc xây dựng dự án này nhằm chỉnh trị dòng chảy, nắn dòng chảy ra giữa để thực hiện việc bồi lấp tự nhiên, tránh tình trạng sạt lở đất nông nghiệp và bảo vệ hành lang an toàn đê tả sông Hồng, trên địa bàn 2 xã Trung Hà và Tiến Thịnh.
Ông Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng phòng Quản lý 2 - Ban quản lý Các dự án đường thủy (Bộ Giao thông vận tải): Một trong những nguyên nhân dẫn tới toàn bộ mũi kè L06 đổ, gãy là do hoạt động khai thác cát!
Tuy nhiên, điều đáng nói là Dự án kè chỉnh trị (nắn dòng) trên sông Hồng có tổng số vốn hơn 84 tỷ đồng này vừa mới được bàn giao và đưa vào sử dụng, thì mũi kè L06 trong tổng số 6 mũi kè đã bị gãy, đổ gập… khiến số tiền đầu tư lớn “như muối bỏ biển”, lãng phí ngân sách, tiềm ẩn nguy cơ sói mòn, sạt lở đất đai, hoa màu của người dân.
Trước thực trạng này, trách nhiệm của các đơn vị giám sát, vận hành đến đâu khi để mũi kè L06 đổ gẫy?
Theo ông Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng phòng Quản lý 2 - Ban quản lý Các dự án đường thủy (Bộ Giao thông vận tải): “Trong thời gian khoảng 1 năm trở lại đây, tại vị trí này luôn trong tình trạng báo động đỏ về hoạt động khai thác cát. Quá trình kè, phát huy tác dụng là thời điểm cát được bồi lấp, tuy nhiên tại đây do cát đẹp nên việc kiểm soát hoạt động khai thác cát là điều vô cùng khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây nên tình trạng đổ kè”.
Cũng theo ông Thưởng, tại các điểm xen giữa các mũi kè, có nhiều bãi tập kết cát của nhiều hộ kinh doanh cát sỏi trên địa bàn. Họ nạo vét khối lượng cát tại đó nhằm mục đích đưa tàu vào tập kết hàng hóa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự việc trên.
Hoạt động khai thác cát trên sông Hồng (đoạn gần dự án kè chỉnh trị, mũi kè L06 bị đổ gẫy) đang diễn ra rầm rộ
Vậy, những đơn vị nào đang tiến hành khai thác cát tại khúc xông này, khiến bờ kè L06 đổ gập?
Có mặt tại bãi bồi trên sông Hồng, thuộc địa bàn 2 xã Trung Hà và Trung Kiên, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), chúng tôi không khỏi giật mình bởi mức độ tàn phá khủng khiếp từ hoạt động khai thác cát của các công ty đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép.
Nhiều người dân sống quanh khu vực này cho biết, khoảng hơn 1 năm nay, tình trạng khai thác cát luôn diễn ra hết sức phức tạp, trên một đoạn ngắn nhưng có tới hàng trăm phương tiện như tàu hút, tàu quốc, tàu vận chuyển tham gia vào hoạt động khai thác cát, khiến người dân lo ngại về việc mất đất, gây sạt lở, sập gẫy bờ kè.
Cần kiểm tra, rà soát lại hoạt động khai thác cát
Tìm hiểu được biết, trên địa bàn 2 xã Trung Hà và Trung Kiên, đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp là Công ty Khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô, Công ty TNHH An Viên và Công ty TMS Khoáng sản & Vật liệu xây dựng khai thác cát trên sông Hồng làm vật liệu xây dựng thông thường.
Cụ thể, ngày 25/5/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Giấy phép số 1346/GP-UBND (thời hạn 12 năm), cho phép Công ty CP Khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Tuấn Vĩ (địa chỉ 79, đường Điện Biên Phủ, phường Tích Sơn TP. Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc) khai thác cát sông Hồng (khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) thuộc xã Trung Hà, diện tích 32,57 ha, mức sâu khai thác đến có +2,5m; mức sâu đến cao trình tuyệt đối cost + 2,5m; trữ lượng khai thác 803.935 m3 và công suất khai thác 84.000 m3/năm; thời hạn cấp phép là 12 năm kể từ ngày ban hành giấy phép.
Điểm mỏ khai thác cát trên sông Hồng của Công ty CP Khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô
Tại Giấy phép số 1907/GP-UBND ngày 14/7/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho Công ty TNHH An Viên, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Anh Tuấn, chức vụ Giám đốc (số 45 đường Bà Triệu, phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), cho phép doanh nghiệp này khai thác cát trên sông Hồng làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ xã Trung Hà, diện tích 3.6 ha; trữ lượng địa chất là 125.460 m3 cùng công suất khai thác là 21.000 m3/năm; thời gian thực hiện là 5 năm bắt đầu từ ngày được cấp phép.
Tại Giấy phép số 3774/GP-UBND ngày 10/02/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Công ty TMS Khoáng sản & Vật liệu xây dựng, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thanh Tùng, chức vụ Giám đốc (số 697, khu phố 2 phường Đồng Tâm TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), khai thác cát trên sông Hồng thuộc địa bàn xã Trung Kiên. Theo đó, tại giấy phép này, Công ty TMS Khoáng sản & Vật liệu xây dựng được phép khai thác cát trên sông Hồng với tổng diện tích là 12.11 Ha; mức sâu khai thác đến cos+2m; trữ lượng địa chất là 280.700 m3; trữ lượng khai thác là 203.628 m3.
Điểm mỏ khai thác cát trên sông Hồng của Công ty TNHH An Viên
Giấy phép là vậy. Tuy nhiên, có mặt tại đây, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp này. Chỉ trên một đoạn sông vài km, nhưng hoạt động khai thác đang diễn ra rất rầm rộ, có tới hàng trăm phương tiện lớn nhỏ nối đuôi nhau đào bới, tận diệt khúc sông này.
Mặc dù các doanh nghiệp đang khai thác đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép. Tuy nhiên, khó tránh khỏi việc các doanh nghiệp lợi dụng giấy phép được cấp để khai thác sai phép, vượt phép... dẫn tới nhiều hệ lụy xảy ra. Hậu quả nhãn tiền là mũi kè L06 đã sụp đổ hoàn toàn, gây thiệt hại tới tài sản quốc gia, đe dọa tới an toàn đê điều.
Trước thực trạng này, thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm vào cuộc kiểm tra tổng thể hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác trên khúc sông này. Đồng thời, phải kiên quyết xử lý, nếu phát hiện sai phạm.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Hà Long – Tống Trường