Nỗi lo sạt lở
Những ngày qua, sông Lô đoạn chảy qua huyện Hàm Yên vốn yên bình đã trở nên dữ dội bởi hoạt động rầm rộ của 2 tàu cuốc khai thác cát. Theo bà Trương Thị Tuân (thôn Việt Thành, xã Tân Thành): Gần 1 tháng nay, có 2 tàu cuốc công suất lớn, khai thác cát suốt ngày, gây tiếng ồn, nguy cơ sạt đất canh tác... Tàu cuốc, tàu chở cát nối đuôi nhau, dàn hàng ngang hết cả dòng sông.
Dù tỉnh Tuyên Quang có chủ trương không dùng tàu cuốc khai thác cát trên địa bàn, nhưng Công ty Lam Sơn được cho phép dùng 2 tàu cuốc để "ngoặm cát"
Theo ghi nhận của phóng viên (ngày 21/12), trên bờ sông Lô (đoạn qua xã Tân Thành), nhiều công nhân, máy móc, xe chở vật liệu xây dựng hoạt động tấp nập. Dưới lòng sông Lô 2 tàu cuốc đang “đục khoét” cát, nhiều tàu chở cát, vận hành hết công suất, từ sáng sớm… Người dân nơi đây lo sợ hoạt động của tàu cuốc làm sạt lở đất canh tác, nên ngày ngày phải canh giữ đất, ruộng.
Tàu trở cỡ lớn nối đuôi nhau "ăn cát"
Trao đổi với PV, ông Đỗ Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có một phần diện tích thuộc dự án Nhà máy thủy điện sông Lô 8A (DA thủy điện), do Công ty Lam Sơn làm chủ đầu tư. Trên địa bàn xã không có DA khai thác cát, sỏi dùng tàu cuốc được cơ quan chức năng cấp phép. Việc có tàu cuốc đang khai thác cát ngay sát DA thủy điện là trái phép, chúng tôi cho kiểm tra và báo cáo cơ quan thẩm quyền cao hơn để có hướng xử lý”.
Ông Đỗ Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành
Được “đặc cách” dùng tàu cuốc...?
Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Yên: “Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang, huyện Hàm Yên có chủ trương về việc tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi bằng tàu cuốc”.
Liên quan đến 2 tàu cuốc đang hoạt động đoạn sông Lô xã Tân Thành, ông Đông xác nhận thuộc diện tích DA thủy điện và được UBND tỉnh Tuyên Quang đồng ý cho công ty Lam Sơn dùng 2 tàu cuốc thi công hạng mục đê quây.
Theo ông Đông, trong quá trình thực hiện DA thủy điện, Công ty Lam Sơn được phép tận thu sản phẩm trong phần diện tích được cấp phép. Tuy nhiên, ông Đông không cung cấp được văn bản về việc tận thu sản phẩm của Công ty Lam Sơn.
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Yên
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 20/7/2017, UBND tỉnh Tuyên Quang có quyết định số 237 phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng xây dựng công trình nhà máy thủy điện sông Lô 8A, với tổng diện tích khoảng 273,20ha; công suất 27MW. Kinh phí của Công ty Lam Sơn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Ngày 17/11/2017, Công ty Lam Sơn có văn bản đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chấp thuận biện pháp thi công hạng mục đê quây dự án thủy điện. Trong đó, nêu rõ: Với điều kiện địa chất khu vực công trình chính có lớp cuội sỏi dày, nên để đắp được đê quây và thi công công trình chính cần thiết phải đào và vận chuyển hết lớp cuội sỏi ra khỏi phạm vi hố móng công trình. Với phương án khả thi nhất là dùng 2 tàu cuốc để nạo vét cát, sỏi dưới hố móng khu vực công trình phục vụ công tác đắp đê quây. Ngày 21/11, UBND tỉnh Tuyên Quang có văn bản đồng ý chủ trương phương án thi công hạng mục đê quây DA thủy điện theo đề xuất của Công ty Lam Sơn.
Trước câu hỏi của PV về việc tỉnh Tuyên Quang đang tạm dừng khai thác cát sỏi bằng tàu cuốc nhưng lại đồng ý cho công ty Lam Sơn dùng 2 tàu cuốc để nạo vét DA thủy điện, ông Đông lí giải: “Quy định của tỉnh áp dụng trong hoạt động khai thác cát, sỏi. Việc công ty Lam Sơn dùng 2 tàu cuốc thực hiện thi công đê quây dự án thủy điện là hợp lý!?”
Tuy nhiên, theo quan sát, đoạn đê quây DA thủy điện, lòng sông Lô đều là cát mịn, không có cuội, sỏi; 2 tàu cuốc chỉ việc “ngoặm” cát đổ vào tàu chở. Nhiều ý kiến cho rằng, Công ty Lam Sơn đang được UBND tỉnh Tuyên Quang “đặc cách” cho dùng 2 tàu cuốc để khai thác cát (!?). Điều này, trái với chủ trương của UBND tỉnh về việc không dùng tàu cuốc khai thác cát, sỏi trên địa bàn Tuyên Quang.
Và "lá bùa" che chắn?
Một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cát, sỏi ở Tuyên Quang cho biết, muốn sử dụng tàu cuốc để nạo vét, khai thác cát, sỏi cần tuân thủ quy trình thủ tục làm hồ sơ, xét, thẩm định, phê duyệt trong một thời gian dài và phải có ý kiến của rất nhiều cơ quan liên quan. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 4 ngày, kể từ khi Công ty Lam Sơn gửi văn bản (đề nghị phương án dùng 2 tàu cuốc nạo vét thực hiện dự án gửi đến UBND tỉnh Tuyên Quang), ngày 21/11/2017, tỉnh Tuyên Quang căn cứ vào đề nghị này, ra văn bản số 3679/UBND-CN đồng ý cho 2 tàu cuốc nạo vét cát, sỏi phục vụ công tác đắp đê quây là “ưu ái” công ty Lam Sơn; thiếu cơ sở pháp lý.
Trao đổi với PV, đại diện xã Tân Thành và UBND huyện Hàm Yên đều cho rằng, cấp sở tại không biết việc Công ty Lam Sơn được sử dụng 2 tàu cuốc để nạo vét. Chỉ đến khi 2 tàu cuốc hoạt động mới biết và tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, Công ty Lam Sơn đã cung cấp văn bản của UBND tỉnh Tuyên Quang đồng ý cho 2 tàu cuốc thực hiện nạo vét tại DA thủy điện nên phối hợp thực hiện (thực chất là khai thác cát - PV).
“Trong văn bản số 3679 của UBND tỉnh Tuyên Quang nêu rất rõ ràng, căn cứ đề nghị của công ty Lam Sơn, UBND tỉnh đồng ý cho 2 tàu cuốc nạo vét DA thủy điện. Về tính pháp lý của văn bản này, tôi không đủ thẩm quyền ý kiến”, ông Đông nói.
UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ căn cứ vào văn bản đề nghị của công ty Lam Sơn để đồng ý chủ trương dùng 2 tàu cuốc nạo vét dự án cho công ty này
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại sông Lô chảy qua tỉnh Tuyên Quang, mỗi tàu cuốc hoạt động với công suất lớn nhất, một ngày sẽ được khoảng 1000m3 cát, với giá mỗi khối cát bán ra thị trường khoảng 200 nghìn đồng. Với 2 tàu cuốc hoạt động tại dự án thủy điện, mỗi ngày dòng Lô bị đục khoét hàng nghìn khối cát, “thất thoát” hàng tỉ đồng...
Đề nghị, cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang vào cuộc kiểm tra việc công ty Lam Sơn có dấu hiệu “lợi dụng” dự án thủy điện để 2 tàu cuốc khai thác cát, gây bức xúc dư luận.
Hoan Nguyễn