THCL Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ luôn nóng nạn “cát tặc” hoành hành sông Lô. Điều đáng nói, ngay cả diện tích 6,9 ha đất được UBND tỉnh Phú Thọ giao cho Công ty TNHH Thương mại Ánh Nhật đầu tư xây dựng Bãi bốc xếp hàng hóa (thuộc khu vực xã Trưng Vương, TP. Việt Trì, Phú Thọ) cũng thường xuyên có nhiều tàu khai thác cát cả ngày khiến sông Lô "chảy máu”...
Cần cẩu, tàu thuyền đua nhau đục khoét tận diệt lòng sông Lô, địa phận xã Trưng Vương (Ảnh: Hoan Nguyễn)
Tận diệt sông Lô
Ngày 17/11, báo điện tử Thương hiệu & Công luận đăng bài: “ Phú Thọ: “Cát tặc” lộng hành sông Lô”.
Ngay sau khi đăng tải, nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc về tình trạng khai thác cát trái phép trên dòng sông Lô. Người dân xã Sông Lô và xã Trưng Vương (TP. Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: Nhiều tàu ngang nhiên ăn cát tại địa phận 2 xã này gây sạt lở đất bãi, nguy cơ sạt lở vào chân cột điện 110 kV quốc gia. Nhìn hoa màu, đất đổ xuống sông, người dân “thấp cổ bé họng” không biết kêu ai. Đến nay, chăn con trâu, con bò, người dân cũng không dám thả ra đất bãi!
Tàu xả đáy (bóc bề mặt đất) liên hoàn múc đất bờ sông Lô, địa phận xã Trưng Vương chở đi công khai (Ảnh: Hoan Nguyễn)
Tất cả hoạt động khai thác, tiếng máy nổ ình ình diễn ra ngang nhiên như một đại công trường mà không gặp phải bất cứ sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng?
Tàu có kích thước lớn, nhỏ nối đuôi nhau ăn cát. Tàu chứa 500 khối cát, hút khoảng 5 giờ là đầy. Mỗi khối cát bán giá khoảng 200.000 đồng, mỗi tàu khai thác khoảng 5 giờ là kiếm được 100 triệu đồng. Trung bình, 1 ngày 1 tàu khai thác được 200 triệu đồng. Với khoảng 10 tàu/ngày, nạn “cát tặc” làm thất thoát ngân sách nhiều tỷ đồng, sông Lô bị tận diệt, tài nguyên quốc gia cạn kiệt từng ngày, từng giờ.
Ông Nguyễn Văn Tảo, Chủ tịch UBND xã Sông Lô khẳng định: “Ngày 6/11, trên địa bàn xã có tới 6 tàu hút cát rầm rộ khai thác cả ngày. Ngày 10/11, UBND xã chỉ đạo Ban công an xã mời chủ tàu lên để làm việc liên quan đến hoạt động khai thác cát, nhưng chủ tàu không phối hợp. Việc khai thác cát trái phép đã làm sạt lở đất bãi, gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, việc xử lý vượt thẩm quyền của xã nên chúng tôi đã làm công văn báo cáo lên chính quyền thành phố Việt Trì”.
“Núp bóng” bãi bốc xếp, khai thác cát trái phép?
Điều đáng nói, với diện tích 6,9 ha đất được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Thương mại Ánh Nhật đầu tư xây dựng Bãi bốc xếp hàng hóa (dự án) nhưng liên tục có nhiều tàu khai thác cát cả ngày, lấy đi hàng trăm khối cát vàng mỗi ngày tại xã Trưng Vương, nhưng chính quyền địa phương không hay biết của ai, càng khiến người dân bức xúc.
Cát tặc lộng hành trên sông Lô tấp nập như một đại công trường (Ảnh: Hoan Nguyễn)
Trước đó, từ ngày 1/4 đến 4/4/2016, tại đoạn sông Lô thuộc khu vực xã Trưng Vương, ghi nhận của phóng viên cho thấy, có 6 tàu khai thác cát không mang biển hiệu ngang nhiên ăn cát; tàu xả đáy (bóc bề mặt đất) liên hoàn múc đất, cát vàng sát bờ sông chở đi công khai... Tìm hiểu được biết, khu vực tàu khai thác cát trái phép này thuộc dự án đầu tư xây dựng Bãi bốc xếp hàng hóa có diện tích 6,9 ha của Công ty THNH Thương mại Ánh Nhật, đã được UBND tỉnh giao đất từ tháng 4/2016.
Đến ngày 10/11/2016, theo phản ánh của người dân, phóng viên trở lại xã Trưng Vương và tiếp tục nghi nhận được tình hình khai thác cát trái phép. Tại địa phận thuộc Bãi bốc xếp hàng hóa của Công ty TNHH Thương mại Ánh Nhật, có 6 tàu đang khai thác cát như một đại công trường mà không thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra xử lý...
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Trưng Vương cho biết: Trên địa bàn xã, Công ty TNHH Thương mại Ánh Nhật mới được giao làm bến bãi bốc xếp hàng hóa. Việc có những con tàu đang khai thác cát ngay sát bờ thuộc địa phận của Công ty Ánh Nhật, chúng tôi không biết là của ai (!?).
Theo quy định của UBND tỉnh Phú Thọ: Chủ bến bãi bốc xếp phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ địa phận, khu vực lân cận được giao; không gây sạt lở bờ, không để các đối tượng, các tổ chức, cá nhân tự ý mua bán đất, khai thác cát sỏi trái phép; đồng thời phải phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn các hoạt động khai thác cát sỏi trái phép khu vực lân cận… Nếu Công ty TNHH Thương mại Ánh Nhật buông lỏng quản lý, không bảo vệ khu vực lân cận để các cá nhân lợi dụng khai thác cát trái phép là vi phạm các quy định.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, hiện nay sông Lô, đoạn qua địa bàn các xã Sông Lô, Trưng Vương, từ năm 2009 đến nay, chưa có đơn vị nào được cấp giấy phép khai thác cát sỏi. Việc một số tàu tự ý vào khai thác cát các vị trí nêu trên là khai thác trái phép.
Cát tặc lộng hành trên sông Lô khiến đất bãi, hoa màu người dân trôi sông (Ảnh: Hoan Nguyễn)
Câu hỏi đặt ra: Sau gần 1 năm được giao đất, đến nay Công ty TNHH Thương mại Ánh Nhật vẫn chưa triển khai dự án? Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, tàu thuyền vẫn tự do ra vào khai thác cát trái phép, nhưng chưa bị bất cứ lực lượng chức năng nào đến kiểm tra, xử lý? Phải chăng, chính Công ty TNHH Thương mại Ánh Nhật xin cấp phép làm Bãi bốc xếp hàng hóa để “núp bóng” khai thác cát trái phép?
Ngày 14/11, trao đổi với phóng viên về việc Công ty TNHH Thương mại Ánh Nhật được cấp phép làm Bến bãi bốc xếp hàng hóa, ông Hoàng Minh Toàn, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết: Cục Đường thủy nội địa chưa cấp phép cho công ty nào thuộc địa bàn xã Trưng Vương làm bến bãi bốc xếp hàng hóa, nạo vét khai thác cát.
Hoan Nguyễn