Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 của TP. Hà Nội, huyện Mỹ Đức đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) theo quy định.

Cụ thể, theo ông Trần Ngọc Tráng, Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức cho biết, tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn huyện là 4.853 cơ sở. Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2025, Ban Chỉ ATTP từ tuyến huyện đến xã, thị trấn đồng loạt ra quân tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các lễ hội, khu vực trường học.

Theo đó, từ ngày 15/4 đến nay, đã có 21 đoàn kiểm tra tuyến huyện và các xã, thị trấn kiểm tra tổng số 195 cơ sở. Qua đó, các ngành chức năng của huyện Mỹ Đức phát hiện 2 cơ sở vi phạm quy định về ATTP; lập biên bản và xử phạt hành chính 5,5 triệu đồng; buộc tiêu huỷ 60 lít rượu và 30kg bim bim không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn kiểm tra nguồn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn xã. Ảnh: Văn Biên
Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn kiểm tra nguồn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn. Ảnh: Văn Biên

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Mỹ Đức hằng năm diễn ra Lễ hội chùa Hương - lễ hội lớn trong năm kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Để bảo đảm công tác ATTP và phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế đã tổ chức khám sức khỏe và tập huấn cho 135 người để phổ biến các quy định bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, ATTP cho người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn xã Hương Sơn.

Theo ông Trần Ngọc Tráng cho biết, mỗi ngày đoàn kiểm tra liên ngành của Ban tổ chức Lễ hội tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên các hộ kinh doanh ăn uống trong khu vực diễn ra lễ hội; kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn xã Hương Sơn để phục vụ Lễ hội chùa Hương theo kế hoạch. Theo đó, đoàn đã kiểm tra và xử lý 9 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là 13,5 triệu đồng…

Cũng theo ông Tráng cho biết, hiện công tác quản lý ATTP trên địa bàn huyện còn khó khăn, do số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn, nhưng nhỏ lẻ; số lượng cơ sở thường xuyên biến động, tạm ngừng hoạt động hoặc đổi chủ...

Đoàn liên ngành công tác ATTP số 2 của TP. Hà Nội kiểm tra một bếp ăn tập thể tại huyện Mỹ Đức. Ảnh: Tùng Nguyễn
Đoàn liên ngành công tác ATTP số 2 của TP. Hà Nội kiểm tra một bếp ăn tập thể tại huyện Mỹ Đức. Ảnh: Tùng Nguyễn

Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý còn hạn chế; nhận thức của người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đã có những chuyển biến tích cực, nhưng còn một số tồn tại…

Theo ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, để tăng cường công tác quản lý ATTP, từ nay đến cuối năm 2025, với quan điểm chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm, khắc phục triệt để vi phạm trên tinh thần không có vùng cấm, huyện đề nghị các sở, ngành thành phố tiếp tục hỗ trợ huyện trong công tác tập huấn, hướng dẫn các quy định pháp luật về ATTP và xử lý cơ sở vi phạm kinh doanh online, thương mại điện tử...

Huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, tập trung vào những mặt hàng được người dân tiêu thụ nhiều và có yếu tố nguy cơ cao; xử lý nghiêm vi phạm về chất lượng và điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.

Tuấn Ngọc (t/h)