Tại một cửa hàng bách hóa ở thủ đô Bình Nhưỡng. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Từ năm 2006, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết số 1718 nhằm phản ứng với hành động của Bình Nhưỡng và áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này.
Từ đó cho tới nay, Hội đồng Bảo an đã thông qua một số nghị quyết nhằm tăng cường trừng phạt quốc gia Đông Bắc Á sau những vụ thử tiếp theo. Triều Tiên hiện đang phải chịu khoảng 11 biện pháp trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hãng tin AFP dẫn nguồn Liên hợp quốc cho biết các lệnh trừng phạt liên quan 4 lĩnh vực chính là thương mại, vũ khí, vận chuyển hàng hải, ngoại giao và tài chính.
Các lệnh cấm vận thương mại bao gồm cấm xuất khẩu than, sắt và quặng sắt (trừ các mặt hàng phục vụ cho sinh kế của người dân); cấm xuất khẩu kim loại quý; cấm nhập khẩu nhiên liệu hàng không và tên lửa (trừ sản phẩm phục vụ các chuyến bay thương mại).
Các lệnh cấm vận vũ khí gồm cấm bán cho Triều Tiên các vật liệu có thể được sử dụng cho mục đích quân sự (vũ khí, phương tiện...); cấm hợp tác trong các vấn đề an ninh và quân sự.
Các chế tài liên quan hàng hải gồm thanh tra một cách có hệ thống toàn bộ kiện hàng đến và rời đi từ Triều Tiên; cấm cập cảng tất cả các tàu thuyền nghi chở hàng lậu từ Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt ngoại giao cho phép các quốc gia trục xuất các quan chức ngoại giao Triều Tiên hoặc người quốc tịch nước ngoài tham gia vào các thỏa thuận bất hợp pháp có lợi cho Bình Nhưỡng.
Cùng với những chế tài trên là các lệnh cấm bán hàng hóa xa xỉ, mở rộng đóng băng tài sản của Chính phủ Triều Tiên, đảng cầm quyền và tài sản ngân hàng ở nước ngoài.
Tháng 9/2017, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên sau khi quốc gia này thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6 diễn ra ngày 3/9 cùng năm, trong đó có các biện pháp cấm cung cấp, bán hoặc vận chuyển tất cả các loại khí ngưng tụ, khí đốt hóa lỏng cho Triều Tiên; cấm xuất khẩu hàng dệt may Triều Tiên (vải và hàng thêu trang trí); cấm các nước cấp mới giấy phép lao động cho công dân Triều Tiên sinh sống ở nước ngoài.
Những biện pháp trên được cho là tác động không nhỏ tới nền kinh tế và đời sống của người dân Triều Tiên.
Với mong muốn cộng đồng quốc tế dỡ bỏ những lệnh cấm vận và tạo cơ hội phát triển cho Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong những năm gần đây đã bắt đầu các nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao với các đồng minh như Trung Quốc hay với những cựu thù như Hàn Quốc và Mỹ.
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội lúc nửa đêm 28/2, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho nói rằng Bình Nhưỡng muốn dỡ bỏ 5 nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc, đặc biệt là những chế tài tác động tới đời sống người dân Triều Tiên.
Theo ông Ri Yong-ho, Bình Nhưỡng mong muốn dỡ bỏ trước mắt một phần các lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt với Bình Nhưỡng./.
H.An/Theo TTXVN