Không lơ là phòng chống dịch
Kỳ thi năm nay có nhiều thay đổi, được xây dựng phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 cũng như thực tế dạy và học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, cần bảo đảm an toàn, sức khỏe, tinh thần đối với thí sinh, cán bộ tham gia kỳ thi; giúp thí sinh nắm vững quy định mới; có phương pháp hợp lý để làm bài thi đạt kết quả tốt.
Đảm bảo an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, công tác chuẩn bị kỳ thi tại các địa phương đã hoàn tất, đáp ứng yêu cầu, bảo đảm các điều kiện tổ chức. Các điểm thi cần có đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu.
Trước khi đến điểm thi, thí sinh và cán bộ làm công tác thi cần đo thân nhiệt; khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe phải báo ngay cán bộ y tế trực tại điểm thi. Đồng thời, tránh tụ tập đông người trước và sau khi thi, bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch.
Nắm rõ quy chế thi
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được chia làm 2 đợt. Từ ngày 8-10/8 sẽ diễn ra đợt một của kỳ thi.
Trong đợt 1 là những tỉnh thành không nằm trong diện nguy cơ cao và đã đảm bảo điều kiện sẵn sàng. Những địa phương này sẽ thi đúng lịch đã công bố. Đà Nẵng, Quảng Nam và thí sinh thuộc diện F1, F2 sẽ thi vào đợt sau.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, 14h ngày 8/8 thí sinh đến phòng thi làm thủ tục và đính chính sai sót (nếu có) đồng thời nghe phổ biến quy chế, lịch thi.
Khi làm thủ tục, thí sinh sẽ nhận thẻ dự thi và đối chiếu các thông tin cá nhân như họ, tên đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên. Nếu phát hiện có sai sót thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi hoặc người làm nhiệm vụ tại điểm thi để được xử lý.
Khi làm thủ tục dự thi, thí sinh phải mang chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cuớc công dân. Trong trường hợp mất chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác, thí sinh phải báo cáo ngay cho giám thị hoặc cán bộ coi thi để xử lý.
Đến muộn 15 phút không được dự thi
Thời gian thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ diễn ra trong hai ngày 9 và 10/8.
Ngày 9/8, buổi sáng thí sinh làm bài thi môn Ngữ Văn với hình thức tự luận. Buổi chiều làm bài thi môn Toán, hình thức trắc nghiệm.
Sáng ngày 10/8, thí sinh làm bài thi môn tổ hợp đã đăng ký từ trước và buổi chiều làm bài thi môn Ngoại ngữ, tất cả đều theo hình thức trắc nghiệm.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của ban coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Nếu thí sinh đến muộn quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự buổi thi đó.
Báo ngay giám thị nếu phát hiện đề thi bất thường
Khi nhận đề thi, thí sinh phải chú ý kiểm tra số trang và chất lượng các trang in.
Nếu phát hiện đề thi thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ, phải báo ngay với cán bộ trong phòng thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời gian phát đề thi.
Nếu không phát hiện kể từ 10 phút đối với các môn Toán, Ngoại ngữ và 5 phút đối với môn Ngữ văn thì thí sinh phải chịu trách nhiệm.
Chỉ viết bài bằng một màu mực
Trước khi làm bài, thí sinh lưu ý ghi đầy đủ số báo danh và thông tin cá nhân vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm…
Theo quy định, trong phòng thi, thí sinh không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi. Nếu muốn có ý kiến phải giơ tay để báo cáo cán bộ coi thi để được phép.
Thí sinh không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ).
Khi nộp bài thi tự luận thí sinh phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi.
Lưu ý đối với bài thi tổ hợp
Bài thi tổ hợp Khoa học xã hội gồm các môn: Địa, Sử, Giáo dục công dân. Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm các môn: Lý, Hóa, Sinh.
Khi nhận đề thi, thí sinh phải lưu ý các môn thi thành phần có cùng một mã đề. Thí sinh làm các bài các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp trên cùng một phiếu trắc nghiệm.
Nếu thí sinh thi 2 môn thành phần liên tiếp phải có mặt tại nơi gọi thí sinh vào phòng thi trước giờ phát đề ít nhất 10 phút để làm công tác chuẩn bị.
Ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất, thí sinh phải dừng bút. Điều này cũng tương tự với bài bài môn thi thành phần thứ hai. Riêng đối với thí sinh chỉ thi 2 môn thành phần thứ nhất và thứ hai của bài thi tổ hợp, sau khi thi xong môn thi thành phần thứ hai phải ra khỏi phòng thi, theo hướng dẫn di chuyển về phòng chờ, ngồi tại phòng chờ, giữ gìn trật tự, đợi cho đến khi hết giờ làm bài của môn thi cuối cùng mới được rời khỏi điểm thi.
Đối với thí sinh thi 2 môn thi thành phần không liên tiếp, ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất phải dừng bút, nộp đề thi, giấy nháp. Thí sinh phải ngồi nguyên vị trí, giữ trật tự, đặt phiếu trả lời trắc nghiệm sao cho phần tô câu trả lời úp xuống mặt bàn tại vị trí ngồi của thí sinh và bảo quản phiếu trả lời trắc nghiệm trong suốt thời gian chờ thi môn thành phần tiếp theo.
Thí sinh chỉ thi 1 môn thi thành phần có mặt tại nơi gọi thí sinh vào phòng thi trước giờ phát đề thi ít nhất 10 phút để làm công tác chuẩn bị.
Chú trọng kỹ năng làm bài
Về kỹ năng làm bài, với phần lớn các bài thi theo hình thức trắc nghiệm, để làm tốt các bài thi thí sinh phải nắm chắc một số kỹ năng cần thiết.
Theo đó, thí sinh cần đọc kỹ đề, dành nửa thời gian đầu làm từ câu dễ đến câu khó, câu nào thấy đúng tô luôn vào phiếu trả lời trắc nghiệm, câu nào chưa làm được thì đánh dấu X vào đề làm sau. Như vậy, ở lượt đầu, thí sinh dành từ 25 đến 30 phút sẽ làm được khoảng 50 đến 60% đề thi (phần cơ bản tương đối dễ dành cho thí sinh ở mức trung bình).
Lần thứ hai, thí sinh quay lại làm những câu chưa làm được, theo cách cân đối đáp án và lựa chọn đáp án phù hợp nhất rồi tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Câu nào chưa làm được, thí sinh tiếp tục đánh thêm một dấu X để làm sau.
Một phần ba thời gian còn lại, những câu đánh hai dấu X được cho khó nhất, thí sinh buộc phải lựa chọn đáp án và soát lại toàn bộ bài thi. Bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy, vì vậy, thí sinh cần tô mã đề cẩn thận, chuẩn bị ít nhất hai bút chì 2b bằng gỗ, có gọt bút, tẩy, nếu hỏng bút này sẽ có bút khác thay thế...
Đối với môn Ngữ văn, nguyên tắc chung thí sinh phải trả lời tất cả các câu hỏi, không được bỏ qua bất cứ câu hỏi nào, những câu chưa rõ có thể trả lời theo dạng câu lệnh chung; phải luôn để ý thời gian, phân bổ thời gian hợp lý giữa hai phần của đề thi.
Phần đọc hiểu, được chia ra các cấp độ khác nhau (thể hiện ngay ở phần chia điểm), do đó thí sinh nên trả lời trực tiếp vào câu hỏi, không cần diễn giải, ảnh hưởng tới thời gian làm các câu khác. Lưu ý với câu số 4 thường là câu vận dụng cao, do đó đòi hỏi thí sinh cần có kỹ năng tạo lập đoạn văn trình bày ngắn gọn quan điểm của mình. Thời gian hợp lý để trả lời từ 10 đến 15 phút.
Đối với phần làm văn, ở câu nghị luận xã hội, yêu cầu trình bày ý kiến của bản thân về một tư tưởng hoặc hiện tượng, thí sinh chỉ cần viết đoạn văn 200 chữ bảo đảm bố cục, trả lời được các câu hỏi: Tư tưởng, hiện tượng bàn luận là gì; ý nghĩa, hiện trạng của tư tưởng, hiện tượng đó; rút ra bài học và liên hệ. Thời gian hợp lý để trả lời là từ 15 đến 20 phút.
Đối với câu nghị luận văn học trong phần làm văn, đòi hỏi thí sinh có kỹ năng và kiến thức về văn bản. Đối với câu hỏi lưu ý, xác định đúng dạng đề yêu cầu từ đó xác định trọng tâm của bài rơi vào phần nào; phân tích, cảm nhận dựa trên hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ... nhất là cần dựa trên phong cách tác giả để lý giải và có cảm nhận hợp lý về văn bản.
Bài viết nên có so sánh, liên hệ để tăng thêm độ sâu, bảo đảm bố cục để tránh bị trừ điểm.
Những vật dụng được mang vào phòng thi
Theo quy định, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng:
Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác) do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành; các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể truyền và nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Thí sinh không được mang vào phòng thi: Giấy than, bút xoá, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
Hoan Nguyễn