Theo đó, hội đồng quản trị VietinBank mới đây đã phê duyệt việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2020. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 564,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 11,74% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 117 cổ phiếu mới). Thời gian phát hành dự kiến là trong quý III – quý IV/2023.
Là ngân hàng hiếm hoi còn lại có kế hoạch chia tiền mặt trong năm nay, VPBank dự kiến chi gần 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận của năm 2022 để trả cổ tức với tỷ lệ 10%, muộn nhất là quý III, ngân hàng sẽ tiến hành việc trả cổ tức cho cổ đông.
Ngân hàng Eximbank và OCB cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức, thưởng. Đây là một trong những bước cuối cùng để các ngân hàng tiến hành trả cổ tức, thưởng cho cổ đông.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, đây là điều bản thân HĐQT các ngân hàng phải cân nhắc, đắn đo, nếu các ngân hàng cảm thấy tự tin về nguồn vốn, quản lý đủ vững chắc thì các ngân hàng hoàn toàn có thể trả cổ tức bằng tiền mặt. Về phía cổ đông, cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu đều được coi là thu nhập của nhà đầu tư. Theo quy định hiện hành, cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu đều phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.
Dù vậy, được nhận cổ tức vẫn là tin vui đối với các cổ đông. Bởi nó không chỉ thể hiện hiệu quả kinh doanh của ngân hàng mà còn là chất xúc tác tích cực hỗ trợ diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường.
Minh An(T/h)