Có những phong tục đang dần trở nên "xấu xí" mà đôi khi nhiều người tự hỏi có nên duy trì và phát triển nó qua nhiều thế hệ nữa?
Tết cổ truyền, dân tộc ta có nhiều thói quen đáng được gọi là thuần phong mỹ tục và đáng được gìn giữ như khai bút, xin chữ, du xuân, mừng thọ...
Nhưng cũng có những phong tục đang dần trở nên "xấu xí" mà đôi khi nhiều người tự hỏi có nên duy trì và phát triển nó qua nhiều thế hệ nữa hay không?
Hái lộc
Lộc, hiểu theo nghĩa đen là chồi non mới nhú. Còn theo nghĩa ẩn dụ, lộc là điều tốt đẹp, là của trời đất hay các đấng linh thiêng ban tặng.
Mùa xuân là khởi đầu của một năm, là hiện thân của sự mới mẻ, sinh sôi, nên ai cũng muốn có lộc đầy nhà. Đó là lý do mà mọi người thường chọn những cây nhiều hoa, nhiều quả, nhiều lộc để bày biện. Sau thời điểm tống cựu nghênh tân, lên chùa thắp một nén hương xin lộc, cầu mong một năm đầy may mắn, sức khỏe, niềm vui...
Ý nghĩa ban đầu tốt đẹp là vậy, nhưng ngày nay hái lộc đã bị hiểu một cách sai lệch. Hàng đoàn người lũ lượt ngắt chồi, ngắt cành, thậm chí còn chặt cả nhánh cây vác về với quan niệm hái càng lắm thì lộc càng nhiều.
Rõ ràng, lộc và hái lộc cần phải được hiểu là mong muốn, là ước nguyện sẽ được hiển linh, chứ không phải hành vi tàn phá cây xanh thiếu hiểu biết như vậy. Hơn nữa, ông bà ta còn có quan niệm cứ sống đúng với bổn phận của mình, lộc tự nhiên đến.
Lì xì
Đây là tục lệ mừng tuổi trong dịp Tết Nguyên đán với ý nghĩa phát vốn, ra vốn. Tiền lẻ được đặt vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu vàng son rực rỡ, người lớn lì xì cho trẻ em, con cái lì xì cho bố mẹ, ông bà, người trẻ lì xì cho các bậc cao niên...
Với ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn là giá trị vật chất, nhưng lì xì đang dần bị thương mại hóa trong cuộc sống hiện đại.
Rất nhiều trẻ em chỉ nhận lì xì khi thấy tiền mệnh giá lớn, hoặc nhận phong bao thì lập tức rút tiền ra để xem, thấy ít quá thậm chí đã trả lại. Tiền lẻ năm trăm, một ngàn, hai ngàn... gần như vắng bóng trong các phong bao lì xì.
Còn nhiều người lớn thì bị áp lực khi phải chuẩn bị tiền lì xì cho gia đình, họ hàng, đối tác..., ít thì thấy ngượng ngùng, khó coi, mà nhiều thì không biết thế nào cho đủ, nhất là lại phải đáp lễ đối với những người đã lì xì trẻ em, người già của gia đình mình. Trong nhiều trường hợp, lì xì bị biến tướng thành việc tặng tiền thô thiển hoặc một kiểu hối lộ công khai.
Nhét đầy tiền lẻ vào tay Phật. Ảnh: Vnexpress
Đi lễ chùa
Theo quan niệm dân gian, đình, chùa là nơi tôn nghiêm, thờ tự những nhân vật đáng kính, có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.
Đầu năm đi lễ chùa cầu an cũng là một truyền thống văn hóa tốt đẹp. Sau một năm làm việc vất
vả, năm mới người ta lên chùa tiếp tục cầu xin ơn trên phù hộ cho bản thân và gia đình sức khỏe, may mắn, tai qua nạn khỏi...
Bây giờ, vào các đình chùa những ngày xuân, đôi khi cứ ngỡ lạc vào một phiên chợ trong đó hỗn tạp nhiều thành phần ăn mặc hở hang, chen lấn xô đẩy, tiền nhét khắp nơi, vàng mã la liệt... trong khi lên chùa cốt ở cái tâm, chỉ cần mang theo nén hương và công đức ít tiền lẻ nhang khói.
Cửa chùa là chốn bình yên, thanh tịnh. Những hành động như vậy không chỉ phản cảm, thiếu văn hóa, mà còn ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của nhà chùa.
Chơi bài, đánh cờ
Vào dịp xuân sang, việc đánh tam cúc, cờ vây, cờ người... không nhằm mục đích sát phạt được xem là một trò chơi trong tiết nông nhàn.
Giờ đây, chơi tam cúc đã trở nên xa lạ và cỗ bài tam cúc đã gần như biến mất trong các gia đình ngày xuân, thay vào đó là các sới bạc mọc lên như nấm sau mưa, từ thôn cùng ngõ hẻm cho đến những nơi tôn nghiêm như chùa chiền, lễ hội... Dân công sở, sinh viên, công nhân cũng tham gia tổ chức đánh bạc... cho có không khí Tết.
Vấn nạn cờ bạc dựa hơi phong tục đã thế chỗ cho thú chơi tao nhã khi xưa. Nhiều người hưởng ứng rất nhiệt tình mà không biết rằng như thế là đang phạm pháp, với suy nghĩ "tháng giêng là tháng ăn chơi" hoặc mong muốn thử vận may từ trên trời rơi xuống.
May mắn đâu chưa thấy, chỉ thấy nhiều người từ chiếu bạc bước ra, đầu năm đã là "bác thằng bần" rồi.
Xem bói
Năm mới, người Việt thường có thói quen xem bói với mong muốn dự đoán mọi việc sẽ xảy ra và phòng tránh những tai ương. Vậy nên sau Tết, một trong những nơi được viếng thăm nhiều nhất có lẽ là nhà thầy bói.
Bản chất của xem bói là không xấu, nếu chỉ xem cho vui. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ bản lĩnh trước những lời "cô phán", "cậu phán". Giá cho một lần xem bói thường là tùy tâm, nhưng những gì diễn ra sau khi bói xong mới thật sự tốn kém. Dâng sao giải hạn, đội bát hương, miệt mài theo phò thầy hết lễ này đến lễ khác mà chưa biết có "thoát kiếp nạn" hay không.
Dịch vụ xem bói nở rộ và hốt bạc cũng một phần là do nhiều người sùng bái quá mức trở nên vô tình tiếp tay cho mê tín vậy.
Ngày xưa xem một quẻ cho biết lấy may, giờ xem xong một quẻ cứ thấy giật mình thon thót. Nên mới có câu: Tiền buộc dải yếm bo bo, trao cho thầy bói đâm lo vào mình!
Dù sao đi nữa, phong tục vẫn là nét văn hóa cần gìn giữ và duy trì, bởi nó hiện thân cho quá trình phát triển của một dân tộc. Nhưng nếu không được hiểu đúng nguồn gốc và ý nghĩa, phong tục sẽ bị biến dạng, có thể trở thành hủ tục và di sản để lại cho thế hệ sau chỉ còn là những thói quen phản cảm.
Theo Tuanvietnam