Theo Tiến sỹ Đinh Thế Hiển thì, năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Ảnh internet
Những quyết sách tạo nền tảng cho kinh tế năm 2023 phát triển ổn định theo hướng bền vững. Ảnh internet.

Năm 2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đi xuống và đi ngang trong năm 2024, khoảng trên 6% và dưới 7%. Hay dự báo mới nhất tháng 12/2022 của các tổ chức tài chính thế giới đều nhận định tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam 2023 sẽ giảm dưới 7%, song đây vẫn là mức tăng trưởng tốt so với khu vực ASEAN (4,9%), Châu Á-Thái Bình Dương (4,6%) và thế giới (2%). Vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt tăng trưởng GDP trong năm 2023 ở mức khoảng 6,5%, cũng gần ngang với các dự báo trên.

Về những khó khăn thách thức mà các tổ chức tài chính thế giới cảnh báo, Tiến sỹ Hiển cho rằng, khó khăn đến từ yếu tố bên ngoài chứ không đến từ nội tại của Việt Nam. Trong đó, bên cạnh sự suy giảm tiêu dùng của các nước phát triển, còn một số yếu tố phụ như chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn có thể tác động đến Việt Nam.

Hiện nay các nước đã đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam khi chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô. Ví dụ Tập đoàn Lego (Đan Mạch) mới đầu tư vào Bình Dương 2 tỷ USD với tầm nhìn 10-20 năm, họ không chỉ đòi hỏi yếu tố hạ tầng mà cũng mong muốn chính sách phải ổn định, khi đó họ mới có thể chuyển dịch nhà máy. Vì vậy, đây là cơ hội chứ không phải rủi ro.

Cùng với đó, trong 03 năm từ 2018-2021, sự chuyển dịch từ Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á đã khiến tỉ trọng xuất khẩu của Trung Quốc đang từ 33% sang Mỹ giảm xuống còn 25%. Còn các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tỉ trọng này đã tăng từ 10-14%. Như vậy, FDI vào Việt Nam là một tiến trình ổn định mặc dù có một vài gián đoạn trong quý I-II, nhưng tiến trình đó vẫn là một cơ hội vì khi FDI vào Việt Nam không chỉ giúp tiêu dùng nội địa tăng, tạo việc làm, mà còn tạo quá trình đô thị hóa, các khu công nghiệp phát triển, gián tiếp giúp bất động sản tạo ra nhiều ngành nghề khác, đồng thời gián tiếp thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa bao gồm nghiệp phụ trợ phát triển.

Về dự báo diễn biến kinh tế năm 2023, "tôi cho rằng lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi. Xuất khẩu có thể giảm trong quý I-II/2023, nhưng sẽ phục hồi và tăng vào quý III", Tiến sỹ Hiển nhấn mạnh.

Như vậy, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III nhờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời thị trường bất động sản phục hồi nhẹ từ quý IV/2023, tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công nghiệp và khu vực hạ tầng.

Những yếu tố trên cho thấy đây là một bức tranh sáng cho nền kinh tế Việt Nam.

H.D (t/h)