Tại Đà Nẵng, hai cựu Chủ tịch là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến bị khởi tố bị can, do các vi phạm về quản lý đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (hay còn gọi Vũ “nhôm”). Thực tế, từ năm 2007 đến nay rất nhiều nhà đất công sản ở Đà Nẵng được bán có dấu hiệu vi phạm khi không thực hiện theo đúng qui định Luật Đất đai.

Đơn cử, tháng 3/2008, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại 106 Trần Phú cho đơn vị đang thuê là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đà Nẵng với đơn giá 3.583.440.000 đồng.

Đến tháng 10/2008, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đà Nẵng có tờ trình xin chuyển tên trực tiếp cho Công ty cổ phần xây dựng 79 do ông Phan Văn Anh Vũ làm chủ, được mua nhà và chuyển quyền sử dụng đất. Cùng thời điểm trên, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng có công văn thông báo ý kiến kết luận của chủ tịch và các phó chủ tịch UBND TP với nội dung đồng ý chủ trương chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà và đất tại 37 Pasteur.

Đến tháng 10/2010, UBND TP Đà Nẵng có quyết định cho phép chuyển quyền sử dụng đất tại số 37 Pasteur với diện tích 962m2  giá trị 16.908.1120.000 đồng. Ngay sau đó, Công ty cổ phần Công nghệ phẩm có tờ trình đề nghị đổi tên đơn vị nhận chuyển quyền sử dụng đất tại số 37 Pasteur cho cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ.

Ngày 12/11/2010, UBND TP Đà Nẵng có công văn số 7145 đồng ý chủ trương chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất tại số 37 Pasteur từ Công ty cổ phần Công nghệ phẩm sang cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ. Đến tháng 5/2017, ông N.A.H. (một người thân của ông Vũ) đã nhận chuyển nhượng toàn bộ tài sản trên.

Những thương vụ mua bán đất công gây thất thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng - Hình 1

Ngoài lô đất 32 ha ở Phước Kiển, Công ty Tân Thuận còn có thêm giao dịch với Quốc Cường Gia Lai một lô đất ở phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM

Một trường hợp bán đất công đình đám khác tại Đà Nẵng là việc bán sân vận động Chi Lăng. Vào tháng 10/2010, UBND TP Đà Nẵng (lúc đó ông Trần Văn Minh làm chủ tịch, ông Văn Hữu Chiến làm phó chủ tịch) đồng ý bán sân vận động Chi Lăng cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh để đầu tư xây dựng dự án khu phức hợp tầm cỡ. Đến tháng 1/2011, ông Trần Văn Minh với vai trò là chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã hoàn tất thủ tục bán sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh, với giá chỉ gần 1.400 tỷ đồng.

Điều lạ lùng, việc mua bán đất là để xây dựng khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại sân vận động Chi Lăng, nhưng UBND TP Đà Nẵng lại đồng ý "xẻ" sân vận động Chi Lăng ra làm 10 khu với 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Điều đáng nói hơn, khu đất này được định hình là xây dự án thương mại dịch vụ nhưng lại được UBND TP Đà Nẵng bán theo giá đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn lâu dài. Có được 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Thiên Thanh lập tức thế chấp ngân hàng để vay trên 4.000 tỷ đồng. Sau đó, Phạm Công Danh bị bắt và dự án "treo" đến bây giờ.

Theo thông báo của Thanh tra năm 2013, những vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai liên quan đến việc xác định giá thu tiền sử dụng đất; giảm tiền sử dụng đất phải nộp cho các đơn vị và cá nhân ở Đà Nẵng gây thất thu ngân sách 3.434.254.712.950 đồng.

Ngoài Đà Nẵng, nhiều địa phương khác cũng xảy ra việc bán đất công với “giá bèo” gây thất thu ngân sách như: TP.HCM, Nghệ An,…

Tại TP.HCM, việc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận bán hơn 32ha đất Khu dân cư Phước Kiển cho Công ty cổ phấn Quốc Cường Gia Lai với “giá bèo” đã bị Thành ủy TP.HCM “tuýt còi”. Trong vụ việc này, ông Trần Công Thiện – Bí thư chi bộ, thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận bị cách hết mọi chức vụ trong Đảng. Còn Phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang cũng bị đề xuất kỷ luật.

Ngoài vụ Công ty Tân Thuận bán hơn 32ha đất cho Quốc Cường Gia Lai, mới đây Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận thanh tra gửi Thủ tướng về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM. Qua đó, cơ quan này cũng kiến nghị thu hồi khu đất vàng này và thực hiện bán đấu giá theo quy định vì có quá nhiều sai phạm.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn. Khu đất này cần thiết phải áp dụng đơn giá cho thuê thương mại, dịch vụ và khách sạn cao cấp cao hơn đơn giá Sở Tài chính đề xuất và trình UBND TP.HCM phê duyệt. Cũng theo Thanh tra Chính phủ, với giá thị trường trên mặt đường Lê Duẩn đang ở mức khoảng 400 triệu đồng/m2, nếu đấu giá khu nhà đất này sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng. Đơn cử như trên cùng một con đường Lê Duẩn này có khu đất rộng hơn 3.000m2 được đem bán đấu giá cùng thời điểm có giá bán gần 1.500 tỷ đồng.

Mới đây nhất, qua giám sát của Đoàn đại biểu HĐND TP.HCM, hàng loạt địa chỉ đất công có vị trí “kim cương” trên địa bàn thành phố do Cty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM (HMTC) được chuyển nhượng với giá quá rẻ so với giá thị trường.

Ngoài ra, còn hàng loạt vụ chuyển nhượng đất vàng khác ở TP.HCM như: Đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng; đất vàng 7-9 Tôn Đức Thắng; khu nhà đất ở địa chỉ số 2 - 4 - 6 Đồng Khởi…

Tại Nghệ An, việc bán trụ sở Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũ (66 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, Nghệ An) và đất trụ sở cũ UBND phường Hồng Sơn (2 Trần Phú, TP Vinh) được bán chỉ định cho doanh nghiệp cũng gây bức xúc trong dư luận.

Năm 2017, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ rà soát việc sử dụng 60 dự án “đất vàng” ở các địa phương. Trong đó, Hà Nội có đến 25 dự án, TP.HCM 13 dự án, Nghệ An 10 dự án, còn lại 12 dự án ở các địa phương khác.

Hạnh Nguyên T/h