Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh hiện có khoảng 14.000 ha đất công, trong đó có gần 1.000 ha đang bị lấn chiếm, tranh chấp, 1.200 ha được dành để cho thuê, mượn. 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Phần lớn đất công ở Đồng Nai có nguồn gốc từ các nông lâm trường, đơn vị quốc phòng bàn giao lại; hiện tại do UBND xã, phường quản lý.

Các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom là 3 địa phương có diện tích đất công bị lấn chiếm, tranh chấp nhiều nhất. Tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất công là do chính quyền địa phương quản lý không chặt, thiếu kiểm tra thường xuyên dẫn đến tình trạng trên.

Đồng Nai: Gần 1.000 ha đất công đang bị lấn chiếm, tranh chấp - Hình 1

Nhiều đất công đang bị xâm chiếm, tranh chấp tại Đồng Nai (Ảnh minh họa)

Riêng Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, đang quản lý hơn 600 ha đất công, tuy nhiên, diện tích khai thác được chỉ khoảng 70 ha, trung tâm đang cho mượn, thuê ngắn hạn. Số còn lại là đất thuộc các mỏ đá sau khai thác và đất bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa sử dụng được.

Điều còn tồn tại hiện này là công tác rà soát, kê khai, cắm mốc, bàn giao đất cho cấp xã còn bất cập, chưa kịp thời. Nhiều diện tích đất công khi giao cho chính quyền địa phương đã bị người dân lấn chiếm, xây nhà ở và các công trình khác từ trước. Hiện việc thu hồi đất công bị lấn chiếm, tranh chấp rất khó khăn, do đa số những diện tích đất này đã được người dân xây nhà ở và các công trình khác.

Tới đây, với những diện tích đất công “sạch” sẽ đưa ra đấu thầu. Đồng Nai có quỹ đất công lớn, nếu diện tích này được quản lý, sử dụng tốt sẽ tạo ra nguồn vốn để đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội. Tỉnh cũng đẩy nhanh việc cắm mốc, cấp giấy để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, tạo thuận lợi cho việc quản lý đất công.

Còn riêng với các khu đất nông, lâm trường đang cho người dân thuê, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xem xét cho thuê tiếp hoặc thu hồi giao lại cho các nông, lâm trường quản lý. Những tập thể, cá nhân làm sai sẽ bị kỷ luật.

Diệu Dương