Vào hồ phải tốn tiền!
Hiện tại, Hồ Sông Mây rộng hơn 300 ha và là lá phổi cho các xã Bình Minh, Bắc Sơn, Sông Trầu và thị trấn Trảng Bom. Đây cũng là địa điểm câu cá tuyệt vời thu hút hàng trăm cần thủ đến với hồ những ngày cuối tuần. Đa dạng các loài cá như mè, trắm, trôi hay cá chép vàng. Đặc biệt, ai cũng muốn đến đây đều muốn thử thách câu cá tra sống từ ngày xưa nặng đến 20 kg. Tuy nhiên, hiện tại chuyện gặp cá lớn như thế khó có thể xảy ra vì những gì đang diễn ra ở đây.
Muốn vào hồ Sông Mây câu cá hay thư giãn đều phải tốn tiền.
Theo một người quản lý khu câu cá giải trí hồ Sông Mây thì khu câu cá này đang thả thêm nhiều loại cá để phục vụ cho việc câu cá và làm thêm kinh tế. Chính vì thế mà việc cá khó cắn câu cũng là chuyện thường bởi thức ăn thừa của việc nuôi cá lồng bè đã giảm độ ăn mồi của các cần thủ. Nhiều người đến đây với mục đích là giải trí sau những ngày lao động mệt nhọc chứ không mong ước nhiều đến chuyện có cá to.
Ngày cuối tuần hàng trăm cần thủ ở khắp mọi nơi từ Sài Gòn, Bình Dương, Biên Hòa,... đổ xô về hồ. Chi phí cho mỗi cần thủ câu nguyên ngày là 185.000 đồng/cần và nếu có ngồi câu trên những bè phao phải thuê thêm 200.000 đồng/cái. Như vậy, chỉ chi phí cho chuyện có chỗ ngồi câu đã gần 400.000 đồng. Một cần thủ đến từ Biên Hòa cho biết: “Khoái câu cá chép thôi, cả năm nay giỏi lắm có con một cân, còn lại đa số mè và cá tra. Giá thuê chỗ ngồi mắc quá nhưng không tìm thấy chỗ nào tốt hơn hồ này. Vì niềm đam mê phải đành chịu, chi phí giải trí mắc quá”.
Hồ Sông Mây trên bản đồ
Trên thực tế, Hồ Sông Mây là một tài sản chung nhưng hiện tại, mọi con đường vào hồ đều đã bị “chặn đứng”. Nếu đi từ xã Bắc Sơn gần KCN Sông Mây thì con đường vào đều bị chặn bởi các trang trại heo, lò sản xuất gạch. Cách duy nhất là phải tốn kém 10.000 đồng để vào dạo mát. Còn từ hướng thị trấn Trảng bom thì phải qua cổng của sân golf Đồng Nai, riêng đường từ quốc lộ 1A đi vào ở xã Bình Minh thì đã bị ngăn lại hơn chục năm qua của dự án Khu du lịch sinh thái Sông Mây .
Ai đang “chiếm hữu” Hồ Sông Mây?
Trước kia, Hồ Sông Mây là một phần hồ chứa nước cho đập thủy điện Trị An với diện tích mặt hồ rộng lớn tới hơn 10 hecta và độ sâu tối đa chỉ khoảng 2m. Sau này, Sông Mây với nét đẹp tự nhiên của vùng đất rừng quanh sông Đồng Nai chỉ mới được duy nhất một liên doanh Việt Nam – Đài Loan khai thác làm sân golf Đồng Nai rộng 320 ha hấp dẫn giới doanh nhân khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận. Hiện tại, sân golf đang án ngự phía Đông của hồ.
Hồ Sông Mây hiện tại đang có nguy cơ ô nhiễm.
Phía Nam, hiện tại được ưu ái nhất với những rặng thông mang hơi thở Đạt Lạt thì đang được Công ty Cổ phần CODONA Thế kỷ 21 làm chủ đầu tư xây dựng công trình khu du lịch sinh thái hồ Sông Mây hơn 10 năm đến nay vẫn chưa hoàn thành. Thực tế, công trình thực hiện với tiến độ chậm làm nhiều người dân ở xung quanh không thể tiếp cận hồ được như ngày xưa. Phía trong giáp hồ nhiều nơi hồ bị lấn, đào xới khiến nhiều người không khỏi lo lắng cho tính khả thi của dự án vì làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên.
Phía Tây của hồ là Khu câu cá giải trí như đã nói ở trên. Khu này đang được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai quản lí và làm kinh tế. Không chỉ là một khu câu cá giải trí, trên bờ nhiều khu nuôi lợn hàng nghìn con và khu các ao nuôi cá đang đêm ngày xả thải vào lòng hồ. Hiện tai, lòng hồ đang bị bồi lắng, nước hồ nổi váng xanh bốc mùi hôi, cộng thêm rác thải của nhiều cần thủ đến với khu câu cá giải trí này. Hiển nhiên, màu xanh của hồ đang dần chuyển sang màu xanh đen của ô nhiễm.
Công trình Khu du lịch sinh thái hồ Sông Mây đang mổ xẻ ven hồ.
Chung quy lại, khi các thành phố lớn càng phát triển hiện đại thì những “viên ngọc” chưa được mài dũa còn sót lại như Hồ Sông Mây quả thực là “của hiếm”. Nét hoang sơ, vẻ hữu tình và giá trị kinh tế đã được định hình đang là lực hút kéo du khách lẫn giới đầu tư không thể rời mắt khỏi vùng đất đầy tiềm năng này. Câu chuyện thực tế trên sẽ cần một hành động thiết thực. Vì những gì hiện tại, nếu không quy hoạch đúng đắn thì Đồng Nai sẽ mất hồ Sông Mây là điều hoàn toàn có thể.
Diệu Dương