Him Lam ‘nhúng chàm’ trong vụ xẻ thịt đất công khu dân cư Bắc Rạch Chiếc? - Hình 1

Chưa phê duyệt dự án, đã mời doanh nghệp thứ cấp !

Tại kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và tiến độ thực hiện về dự án Khu dân cư (KDC) Bắc Rạch Chiếc (quận 9, TP.HCM) công bố mới đây, Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra những sai phạm của chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn cũng như ký hợp đồng với các doanh nghiệp (DN) thứ cấp tham gia dự án.

Theo đó, dự án KDC Bắc Rạch Chiếc được Thủ tướng Chính phủ giao đất cho Công ty cổ phần Địa ốc 10 (Công ty RES 10, thành viên của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) theo Quyết định 282/QĐ-TTg ngày 15/3/2001 để xây dựng hạ tầng kỹ thuật trục chính. Sau khi xây dựng xong, Công ty RES 10 phải bàn giao đất để Thành phố giao lại cho các nhà đầu tư khác.

Tuy nhiên, trước khi được giao đất, các cá nhân tại Công ty RES 10 và công ty mẹ đã ký hợp đồng với một số DN với nội dung các đơn vị này “được quyền tự tổ chức kinh doanh”. Theo Thanh tra TP.HCM, chính điều khoản này đã dẫn đến các DN cho rằng họ được phân lô và thực hiện huy động vốn từ khách hàng. Hành vi của các cá nhân có dấu hiệu làm trái quy định nhà nước, chuyển hồ sơ sang Công an TP. HCM làm rõ.

Him Lam ‘nhúng chàm’ trong vụ xẻ thịt đất công khu dân cư Bắc Rạch Chiếc? - Hình 2

Hiện trạng hoang hoải của KDC Bắc Rạch Chiếc sau hàng chục năm giao đất

Trong số những doanh nghiệp được các cá nhân tại Công ty RES 10 “ưu ái” ký hợp đồng trước khi được giao đất là Công ty TNHH Thương mại Him Lam (Công ty Him Lam).

“Hành vi của các cá nhân tại Công ty Xây dựng và Dịch vụ Nhà đất Quận 10 ký hợp đồng kinh tế với Công ty Phát triển Hàng hải và Công ty TNHH Thương mại Him Lam được tham gia làm nhà đầu tư thứ cấp trước khi dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc có quyết định giao đất của Thủ tướng…” (trích đăng kết luận thanh tra).

Xẻ thịt

Trong khi tổng thể dự án KDC Bắc Rạch Chiếc đang hoang hoải, những dự án thương mại của các doanh nghiệp thứ cấp đã được kinh doanh rình rang. Trong đó có dự án của Him Lam.

Theo tìm hiểu, năm 2017 trở về trước, người đại diện theo pháp luật và giữ chức vụ giám đốc Công ty Him Lam là ông Dương Công Minh. Công ty này có địa chỉ tại số 234 Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM, đây cũng là nơi đặt trụ sở của Công ty cổ phần Him Lam (Him Lam Land).

Công ty Him Lam có 3 cổ đông sáng lập là ông Dương Công Minh, bà Dương Thị Liêm và ông Trần Văn Tĩnh, đều ngụ tại TP.HCM. Trong tổng số 900 tỷ đồng vốn điều lệ của DN này thì ông Dương Công Minh góp đến 99%, tương ứng 891 tỷ đồng.

Him Lam ‘nhúng chàm’ trong vụ xẻ thịt đất công khu dân cư Bắc Rạch Chiếc? - Hình 3

Tổng thể Dự án KDC Bắc Rạch Chiếc còn nham nhở nhưng các dự án thương mại nhỏ của các doanh nghiệp thứ cấp đã kinh doanh ồ ạt

Thông tin tài chính cơ bản năm 2016 cho thấy, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Him Lam đạt 1.879,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 72 tỷ đồng. Tuy Công ty Him Lam là DN đứng ra ký hợp đồng với Công ty RES 10 tại dự án KDC Bắc Rạch Chiếc nhưng Him Lam Land lại đang triển khai khu nhà ở KDC Bắc Rạch Chiếc. Quy mô dự án được giới thiệu rộng 2,1 ha; với 34 nền nhà và tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng.

Giá giao dịch đất nền tại dự án khu nhà ở KDC Bắc Rạch Chiếc của Him Lam Land đang cao ngất ngưỡng. Một môi giới địa phương đang rao bán lô đất biệt thự vườn hướng nhìn ra sông diện tích 360 m2, giá 11,5 tỷ đồng. Lô đất 270 m2 mặt tiền đường nội đô rộng 12 mét, giá 7 tỷ đồng. Đất biệt thự vườn view sông ở dự án này hiện đã 34 triệu đồng/m2.

Đối với các sai phạm của các cá nhân liên quan đến, dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (Q.9), Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra.

Theo VietnamFinance