Năm nay, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội dự kiến sẽ xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT đạt từ 1.200/1.600 trở lên hoặc ACT đạt từ 26/36 trở lên. Riêng thí sinh có nguyện vọng xét tuyển thẳng vào các ngành có xét môn vẽ mỹ thuật phải dự thi môn này do trường tổ chức và đạt từ 6 điểm trở lên. Ngoài ra, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ, trường chấp nhận quy đổi điểm môn tiếng Anh, tiếng Pháp trong tổ hợp xét tuyển bằng chứng chỉ tương đương IELTS 5.5 trở lên.
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận hồ sơ xét tuyển bằng chứng chỉ SAT từ 1.100 trở lên. Tuy nhiên điểm chuẩn bằng phương thức này của trường năm 2024 thấp nhất là 1.460 với ngành Kinh tế và cao nhất là 1.540 với ngành Quản trị kinh doanh.

Đại học Bách Khoa Hà Nội dự kiến điểm chuẩn SAT (kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ) vào trường không thấp hơn 1.250 ở tất cả các ngành (dù trường không quy định cụ thể về điều kiện nộp hồ sơ). Một điểm cần lưu ý với thí sinh dự định xét tuyển bằng chứng chỉ SAT vào Đại học Bách khoa Hà Nội là điểm trung bình chung học tập 3 năm THPT phải đạt 8.0 trở lên.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam dự kiến xét tuyển thẳng học sinh giỏi (tối thiểu một học kỳ ở THPT) kèm một trong các thành tích như đạt giải cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trong đội tuyển thi quốc gia, IELTS 6.0, SAT 1.200/1600 hoặc ACT 25/36 trở lên. Nếu số đăng ký vượt chỉ tiêu, học viện sẽ xét theo thứ tự: giải học sinh giỏi, điểm IELTS, SAT, ACT, điểm kỳ thi riêng. Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ nhận hồ sơ từ đầu tháng 5 đến 20/6.
Trường Đại học Ngoại thương có 3 cách xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ IELTS: xét IELTS với học bạ THPT; xét IELTS với điểm thi tốt nghiệp THPT và xét IELTS với SAT/ACT/A-level.
Với chứng chỉ IELTS, thí sinh cần đảm bảo từ 6.5 trở lên. Với chứng chỉ SAT và ACT, thí sinh cần đạt tối thiểu SAT 1.380 và ACT 30 mới đủ điều kiện nộp hồ sơ. Trong khi đó, từ năm 2024 trở về trước, trường chỉ yêu cầu chứng chỉ SAT 1.260/1.600 và ACT 27/36.
Theo đề án tuyển sinh năm 2025 mới công bố, Đại học Kinh tế Quốc dân giữ nguyên mức điểm điều kiện với chứng chỉ SAT như năm 2024 là 1.200. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển vào trường bằng phương thức này năm ngoái không thấp hơn 1.300 ở tất cả các ngành.
Việc chứng chỉ SAT ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam, chuyên gia giáo dục thuộc CTCP Công nghệ Giáo dục AES cho biết: Có ba nguyên nhân chính lý giải cho việc chứng chỉ SAT ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam. Đầu tiên đó là tính an toàn, khi thí sinh có thể đăng ký đến bốn đợt thi mỗi năm và các trường đại học sẽ chấp nhận kết quả thi trong hai năm gần nhất.
Tiếp theo là tính ổn định của bài thi SAT, so với những thay đổi của chương trình thi THPT Quốc gia.
Lý do cuối cùng là sự lựa chọn, vì ngày càng có nhiều trường đại học mở phương thức tuyển sinh bằng bài thi này.

Để giúp các sĩ tử có sự ôn luyện, thu được kết quả thi SAT tốt nhất, chuyên gia giáo dục của AES cho rằng, điều đầu tiên cần có ở mỗi thí sinh là sự chăm chỉ. Giống như mọi bài thi khác, SAT yêu cầu người học phải đầu tư công sức, thời gian, tâm huyết. Thí sinh cần xác định rõ mục tiêu của bản thân, lên kế hoạch cụ thể để đạt được điểm số mình muốn, và cố gắng hết sức trong quá trình ôn luyện.
SAT là một bài thi chuẩn hóa phổ biến, thường được dùng để xét tuyển vào các đại học ở Mỹ, châu Âu... Bài thi gồm ba phần: Đọc hiểu, Ngôn ngữ và Toán học, tổng điểm là 1.600. Chỉ có 1% số thí sinh trên toàn cầu đạt được mức điểm này.
Theo số liệu từ College Board (đơn vị khảo thí bài thi SAT) cho thấy, lượng thí sinh Việt Nam tham gia bài thi SAT tăng mạnh trong vài năm năm trở lại đây. Điều này liên quan tới việc, ngày càng nhiều trường đại học tại Việt Nam sử dụng kết quả bài thi chuẩn hóa này trong xét tuyển đầu vào.
PV (t/h)