Cụ thể, theo công bố của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, thì dự kiến nhà trường không sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông (THPT) trong xét tuyển năm 2025. Đối với các năm trước, nhà trường áp dụng phương thức xét tuyển học bạ độc lập (với khoảng 10% số chỉ tiêu) hoặc kết hợp điểm học bạ với điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (30 - 40% chỉ tiêu).
Năm nay, nhà trường sẽ xét tuyển theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng; ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên; xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực; xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tương tự, theo thông báo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà trường dự kiến không áp dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp THPT (xét học bạ) từ kỳ tuyển sinh. Năm nay, trường chỉ xét tuyển theo 3 phương thức gồm: Xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội; xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực năm 2025.
Trước đó, năm 2024 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xét tuyển theo 5 phương thức, trong đó phương thức xét học bạ có điều kiện đăng ký xét tuyển đối với các ngành đào tạo giáo viên là thí sinh có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ cấp THPT đạt loại tốt và học lực 3 năm đạt từ giỏi trở lên.
Riêng ngành sư phạm tiếng Pháp, nếu thí sinh là học sinh hệ song ngữ tiếng Pháp thì điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi; đối với ngành sư phạm công nghệ, điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi. Đối với các ngành khác (ngoài sư phạm) yêu cầu thí sinh có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ và học lực 3 năm cấp THPT đạt từ khá trở lên.

Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cũng dự kiến bỏ phương thức sử dụng điểm học bạ để xét tuyển trong kỳ tuyển sinh năm 2025.
Năm nay, nhà trường áp dụng các phương thức: Xét tuyển thẳng; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên; xét học sinh dự bị đại học; dùng kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc kết hợp điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông với thi năng khiếu thể dục - thể thao.
Nhiều trường đại học phía Bắc vẫn tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ
Trong khi đó, rất nhiều trường đại học phía Bắc vẫn tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ. Cụ thể, như:
Trường Đại học Luật Hà Nội: Năm 2025, trường dự kiến sẽ tuyển khoảng 2.650 chỉ tiêu, tăng khoảng 150 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trường dự kiến vẫn tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả học bạ cả năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành và có xem xét quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Trường Đại học Ngoại thương: Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (xét học bạ), Trường Đại học Ngoại thương sẽ áp dụng cho 3 nhóm đối tượng: Thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia hoặc giải khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia; học sinh trường chuyên hoặc trường THPT trọng điểm quốc gia; học sinh hệ không chuyên đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố.
Ở từng nhóm đối tượng, thí sinh có thể lựa chọn xét tuyển theo kết quả học tập THPT theo các tổ hợp môn xét tuyển (điểm trung bình 6 học kỳ của 3 môn) hoặc xét kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, tùy theo chương trình đào tạo.
Trường áp dụng một số điều kiện thí sinh cần đạt ở mỗi nhóm đối tượng như tổng điểm 3 môn thi tốt nghiệp từ 24 trở lên; đạt IELTS tối thiếu 6.5 và các chứng chỉ khác tương đương (nếu xét kết hợp); học lực 6 kỳ ở mức Tốt và hạnh kiểm ở mức Khá trở lên.
Trường Đại học Giao thông Vận tải: Cho biết, sẽ xét tuyển bằng điểm ba năm THPT của ba môn theo tổ hợp. Trường quy định phương thức xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT cho phép thí sinh được dùng điểm IELTS quy đổi để thay thế điểm tiếng Anh nếu xét tuyển bằng tổ hợp có tiếng Anh.
Trường Đại học Thương mại: Cũng xét tuyển theo kết quả học tập cấp THPT của thí sinh học 3 năm (lớp 10, 11, 12) tại trường THPT chuyên toàn quốc/trường THPT trọng điểm quốc gia, tốt nghiệp năm 2025 theo từng tổ hợp môn xét tuyển.
Đại học Công nghiệp Hà Nội: Năm 2025, trường cũng xét điểm ba năm THPT của ba môn trong tổ hợp nhưng không xét độc lập như năm ngoái mà kết hợp chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trường Đại học Xây dựng: Trong 4 phương thức xét tuyển năm 2025 của Trường Đại học Xây dựng có phương thức xét tuyển học bạ THPT.
Trường Đại học Lâm nghiệp: Cũng vừa công bố 4 phương thức xét tuyển với 2.300 chỉ tiêu năm 2025, trong đó có phương thức xét kết quả học tập THPT (xét học bạ).
Học viện Phụ nữ Việt Nam: Năm 2025, trường dự kiến tuyển sinh 1.765 chỉ tiêu cho 11 ngành học thông qua 6 phương thức. Với xét tuyển học bạ, học viện xét kết quả ba năm cấp THPT (lớp 10, 11, 12). Thời gian xét tuyển học bạ dự kiến từ tháng 5/2025.
Các tổ hợp được lựa chọn để xét tuyển là: A00, A01, C00, D01, D09, D14 và có thể bổ sung thêm một số tổ hợp đối với từng ngành sau khi có thông báo tuyển sinh chính thức.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Cũng cho biết, năm 2025 sẽ xét điểm lớp 12 của ba môn theo tổ hợp; kết hợp học bạ lớp 12 với chứng chỉ quốc tế.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH): Cũng vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2025, với nhiều thay đổi. Năm nay, nhà trường dành khoảng 20% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp THPT kết hợp phỏng vấn.
Tuấn Ngọc (t/h)