Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng và gia tăng nợ xấu. Bởi vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Phân tích kỹ hơn, Thống đốc lấy ví dụ về cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2007, các ngân hàng tại Mỹ đã hạ chuẩn cho vay, mở rộng tín dụng đến những người vay không đảm bảo điều kiện vay vốn.
Lượng nợ xấu tích tụ khi người vay dưới chuẩn không thể trả nợ sau đó đã khiến nhiều ngân hàng phá sản từ cuối năm 2006, tác động lan truyền trên toàn hệ thống và dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008.
Do vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
"Khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, các ngân hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục điều hành tiền tệ hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp", văn bản trả lời của Thống đốc nêu rõ.
Hiện tại, dù chưa nới lỏng điều kiện cấp tín dụng nhưng nợ xấu ngành ngân hàng đã tăng mạnh so với thời gian trước dịch Covid-19.
Cụ thể, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,66%. Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21% trong khi cuối năm 2020 là 5,08%.
Xét riêng tại nợ xấu nội bảng, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm. Đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,73% (cuối năm 2020 là 1,69%).
Đáng chú ý, không chỉ nợ xấu tăng nhanh mà công tác xử lý nợ xấu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, từ tháng 6/2021 đến nay, hoạt động mua bán nợ xấu tại đơn vị gần như bị "tê liệt".
Theo đó, các kế hoạch kinh doanh được VAMC đặt ra tại đầu năm 2021 như mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, mua nợ theo giá thị trị thị trường, xử lý thu hồi nợ khó có thể hoàn thành.
Phương Thảo