Trước đây, chúng ta vẫn thường nói, Hà Nội có 4 mùa xuân - hạ - thu - đông. Nay một khái niệm mới đã xuất hiện, đó là mùa không ô nhiễm và mùa ô nhiễm không khí. Với những chỉ số ô nhiễm không khí đo được trong thời gian qua, nhiều chuyên gia nhận định, Hà Nội là đô thị đáng báo động nhất về tình trạng ô nhiễm không khí trên cả nước. Và thời tiết được cho là một trong những yếu tố khiến cho tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
Nồng độ bụi mịn ở Hà Nội cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn
Mùa ô nhiễm cao điểm kéo dài từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Theo thống kê của Mạng lưới Chất lượng không khí PAM Air, trong hơn 1 tháng qua, chưa ngày nào chất lượng không khí Hà Nội ở mức tốt. Tất cả các ngày đều từ trung bình trở lên, trong đó các ngày mức ô nhiễm ở mức kém và xấu chiếm đa số. Nguyên nhân ô nhiễm không khí gia tăng theo mùa như vậy là bởi có sự tác động của thời tiết.
Bản chất ô nhiễm không khí là xuất phát từ các nguồn phát thải. Thời tiết đóng vai trò làm gia tăng hoặc giảm bớt tình trạng này. Sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tìm ra được câu trả lời cho vấn đề này. Theo kết quả nghiên cứu ban đầu của Ngân hàng Thế giới, hiện nồng độ bụi mịn ở Hà Nội rất là cao, cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới.
Không khí không màu, không mùi nhưng khi bị ô nhiễm, đây chính là kẻ giết người thầm lặng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, 9/10 người hít thở không khí có chứa hàm lượng chất ô nhiễm cao. WHO ước tính, tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 60.000 ca tử vong do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có liên quan đến ô nhiễm không khí. Đây là một con số đáng báo động. Do đó, trước khi các kế hoạch quản lý chất lượng không khí của các thành phố lớn được triển khai, có những việc chúng ta có thể thực hiện ngay.
Trúc Mai