Yêu nghề, nghề không phụ

Sinh ra và lớn lên tại Bình Phước nên chị Phượng quen thuộc với cây cao su và nghề cạo mủ cao su. “Ở địa phương cũng có một số nhà máy giày da, may mặc nhưng tôi không thích làm công nhân công nghiệp bởi gò bó thời gian, không thể chăm sóc gia đình. Do vậy, tôi chọn làm công nhân cao su” – chị Phượng kể.

Nhà cách lô cao su khoảng 2 km, chị Phượng thường thức dậy từ 2 giờ để chuẩn bị cơm nước cho con đi học sáng và dụng cụ đi làm. Sau khi điểm danh, chị bắt tay vào công việc. Với con dao cạo mủ chuyên dụng, chị khéo léo cạo một đường xoắn quanh thân cao su để lấy nhựa. Hết cây này đến cây khác, chị làm việc với sự tận tâm. Mỗi ca làm việc sáng, chị Phượng cạo khoảng 600 cây, sau đó về nhà đưa các con đi học và quay lại thu hoạch mủ cao su. Công việc của chị kết thúc khoảng 11 giờ.

Với sự chịu thương chịu khó và ham học hỏi, chị Phượng tiến bộ rất nhanh trong nghề, năng suất lao động luôn thuộc tốp đầu NT, thu nhập của chị đạt 12 – 13 triệu đồng/tháng. Trong phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi chị luôn tích cực hưởng ứng và tham gia nhiệt tình. Đặc biệt, năm 2022 chị đạt giải nhất cá nhân tại Hội thi Bàn tay vàng cấp Tập đoàn.

Cống hiến hết mình

Không chỉ cần cù, chăm chỉ, vững chuyên môn, chị Phượng còn có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả cao cho đơn vị như: Sáng kiến “Trong công tác trang bị vật tư khai thác”; sáng kiến “Tiết kiệm hao vỏ cạo, cạo đúng quy trình kỹ thuật”… Các sáng kiến của chị đã góp phần tăng thêm sản lượng, làm lợi cho NT.

Chị Phượng luôn hết mình với công việc

Sau nhiều năm tích cóp từ nghề cao su, chị Phượng cùng chồng là anh Đỗ Văn Chiến (cũng là công nhân cao su) đã mua được một mảnh vườn riêng, xây được một căn nhà khang trang – tổ ấm hạnh phúc. Bên cạnh đó, chị còn tích cực làm kinh tế gia đình với nhận khoán 3 ha vườn cây nhượng quyền, chăn nuôi gia súc gia cầm, thu nhập về khoảng 160 triệu đồng mỗi năm. Bản thân chị cùng với chồng nuôi dạy con ngoan, học giỏi, gia đình êm ấm, hòa thuận, được địa phương công nhận gia đình văn hóa từ năm 2017 – 2023.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Phượng cho rằng nếu không có đam mê và kiên trì thì người thợ khó gặt hái thành công trong nghề. Đó cũng là lý do vì sao chị luôn hết mình với công việc, không ngừng học hỏi để tiến bộ. Từ khi vào nghề, trừ lúc sinh con, nghỉ thai sản, năm nào chị Phượng cũng nhận được bằng khen từ nhiều cấp cho thành tích lao động xuất sắc của mình. Năm 2023 chị Phượng nhận bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà”; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động sản xuất góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…

Năm qua, chị Phượng vinh dự được chọn là đại biểu tham gia “Diễn đàn Người lao động năm 2023” tổ chức tại Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì. Sự kiện diễn ra đã vài tháng nhưng mỗi lần nhắc lại, niềm vui, niềm tự hào lại ùa về với chị. Đây cũng là lần đầu tiên nữ công nhân này được ra thủ đô Hà Nội, được bước vào Hội trường Diên Hồng và gặp trực tiếp những lãnh đạo cấp cao mà trước nay chỉ được thấy trên tivi hay sách báo.

T. Hương (Nguồn: http://tapchicaosu.vn/)