Theo đó, tại hội nghị, đa số cử tri kiến nghị TP. Hồ Chí Minh quan tâm đến nâng cao thu nhập như tăng mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo mức sống tối thiểu của công nhân cần nghiên cứu đưa ra các tiêu chí bắt buộc phải dành quỹ đất, tài chính để xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM tại hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động, sáng 24-4-2022
Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cùng các đồng chí lãnh đạo TP. Hồ Chí Minhtại hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động, sáng 24/04/2022. (Ảnh: Việt Dũng)

Đồng thời, khu vui chơi, giải trí nên được xây dựng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất bởi công nhân không có nhiều thời gian. Bên cạnh đó, phát động thi đua các hoạt động liên quan đến văn hóa, thể thao. Khi đời sống tinh thần của công nhân được cải thiện, thúc đẩy tăng năng suất lao động, tạo sự gắn bó của công nhân với doanh nghiệp một cách lâu dài, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng, thành phố cần quan tâm đến các chính sách hỗ trợ cho lao động nhập cư nhất là chính sách nhà ở. Mỗi quận, huyện cần phải xây dựng các chung cư với các loại căn hộ có diện tích phù hợp cho gia đình có 4 người, 3 người, 2 người, giá cả phù hợp với thu nhập trung bình của công nhân, người lao động, bán trả góp với giá cả ưu đãi hoặc cho thuê giá rẻ. 

Cử tri Phạm Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề, TP. Hồ Chí Minh có chương trình phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, dự kiến phát triển khoảng 4 triệu m2 sàn. “Vậy TP. Hồ Chí Minh có giải pháp cụ thể gì để triển khai, đạt chỉ tiêu trên? Thời gian nào người lao động có thể tiếp cận mua nhà theo chương trình phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh?”, cử tri Phạm Thị Lan Anh hỏi.

Cử tri Phạm Thị Lan Anh phát biểu tại buổi tiếp xúc
Cử tri Phạm Thị Lan Anh phát biểu tại buổi tiếp xúc. (Ảnh: Việt Dũng)

Cùng quan điểm, cử tri Hà Thị Trang, đại diện công nhân lao động, CĐCS Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vin cho rằng, tình hình thực tế hiện nay 02 năm nhà nước không tăng lương nhưng vật giá gia tăng liên tục từ 10 - 20% cho mỗi năm. Để mua được nhà ở khu vực Bình Dương, Đồng Nai hay TP. Hồ Chí Minh với đồng lương như công nhân thì thật khó tiếp cận... Do đó, cử tri Hà Thị Trang kiến nghị thành phố có chính sách cho công nhân được mua nhà ở xã hội; xây dựng các khu nhà cho công nhân thuê để công nhân giảm bớt gánh nặng về nhà ở.

Thông tin đến các cử tri về vấn đề nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết thông tin, nếu như trước năm 2019, giá bán nhà ở xã hội không quá 16 triệu đồng/m2 tuy nhiên hiện nay giá căn hộ ở mức trên 20 triệu đồng/m2 đến dưới 25 triệu đồng/m2. Tính ra mỗi căn hộ nhà ở xã hội có giá trên 1 tỷ đến 1,6 tỷ đồng. Do đó, giá bán hiện nay không phải giá tự do mà giá bán đúng giá trị thật của căn hộ được kiểm toán, cộng với lãi định mức.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết,trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố phê duyệt kế hoạch nhà ở giai đoạn này, trong đó xác định rõ các chỉ tiêu phát triển nhà ở, với 47 dự án (có 10 dự án bắt buộc chủ đầu tư phải dành ra 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội), tập trung chủ yếu ở các Quận 7, Bình Tân và TP Thủ Đức. Riêng các quận trong nội thành chỉ có 2 dự án. Ngoài ra, thành phố khuyến khích các quận, huyện ngoại thành đẩy mạnh dự án nhà ở xã hội, cụ thể có 8 dự án. Tổng cộng các dự án này đáp ứng trên 35.000 căn hộ… 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm, hiện nay rà soát trên địa bàn TPHCM có 33 dự án (tổng diện tích trên 105ha, khoảng 70.000 căn hộ) có diện tích đất trên 10ha, bắt buộc phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Hiện nay về mặt pháp lý, tồn tại nghịch lý là nhà ở xã hội nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại. Do đó, các dự án này kéo dài và có thủ tục pháp lý phức tạp hơn… dẫn đến không thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt nguồn vốn vay hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện những dự án nhà ở xã hội này chưa triển khai được.

Phó Giám đốc Huỳnh Thanh Khiết cho hay ,để người dân, cử tri tiếp cận được các thông tin về nhà ở xã hội hiện nay, trên trang web của sở có đầy đủ thông tin đối với các dự án, người dân có thể vào đây để nắm thông tin tìm hiểu cũng như liên hệ thêm với các chủ đầu tư dự án để đăng ký. Khi chủ đầu tư gửi danh sách đăng ký mua nhà ở xã hội về Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, đơn vị sẽ xem xét đủ điều kiện để mua hay không. Hiện nay, có trên 40 dự án đã và đang triển khai, người dân có thể tìm hiểu các dự án này để đăng ký mua.

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, Thường trực HĐND TP. Hồ Chí Minh chọn chủ đề “Chính sách an sinh xã hội – Nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động” với mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động thành phố nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh trân trọng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, hy sinh, đóng góp của công nhân, người lao động, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, nhất là các chị em phụ nữ. Và khi TP. Hồ Chí Minh mở cửa trở lại, các chị em cũng nhanh chóng tích cực tham gia góp phần phục hồi kinh tế, chung tay góp phần mang lại hơi thở mới vì sự ổn định và phát triển của thành phố.

Chia sẻ với cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động TP, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết thành phố tập trung đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025 với chỉ tiêu dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng, tương đương khoảng 35.000 căn hộ; nhanh chóng giải quyết các thủ tục, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án theo Chương trình phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2025.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, tạo lập quỹ đất và đầu tư xây dựng các hạ tầng xã hội và các tiện ích phục vụ công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa được đầu tư. Đặc biệt ưu tiên xây dựng nhà lưu trú, nhà cho công nhân thuê trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, có cơ chế hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đầu tư và chính sách hỗ trợ tài chính để thu hút chủ đầu tư thực hiện dự án.

Tập trung thực hiện các giải pháp chăm lo nhiều hơn phúc lợi xã hội đối với công nhân, viên chức, người lao động; giải quyết từng bước, hiệu quả những nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, chế độ chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa..., bảo đảm để công nhân, viên chức, người lao động được thụ hưởng lợi ích tương xứng với thành quả và công sức đóng góp.

Nguyễn Tùng