Chị Ngô Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH XNK Công nghệ cao ĐH
Nhớ ngày đầu trồng cây thảo dược cà gai leo với quy mô lớn nên ban đầu chị Ngô Thị Hằng đã gặp rất nhiều khó khăn bởi đồng đất nơi đây vốn không được màu mỡ đồi hoang cỏ dại cộng với tập quán canh tác lạc hậu nên khi biết chị có ý định trồng cây dược liệu mọi người nhìn chị với ánh mắt ái ngại có người còn thẳng thừng khuyên chị từ bỏ, nhưng với quyết tâm cùng với sự động viên của Chồng và các con chị đã cải tạo vườn đồi thành khu trồng dược liệu cà gai leo của mình.Có thể nói việc trồng cây dược liệu này chị đã bắt đầu tìm hiểu từ năm 2016. Vì không có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, hơn 1 năm qua, chị đã đi đến nhiều địa phương để tham quan học hỏi các mô hình, nắm bắt quy trình trồng chăm sóc các loại cây dược liệu, đặc biệt là cà gai leo, tìm thuê đất, thương thảo với các đối tác để tạo chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra…, sau 1 năm, diện tích trồng cà gai leo của chị trải rộng trên 8 ha.
Qua quá trình nắm bắt hiệu quả của cây dược liệu cà gai leo, được sự giúp đỡ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và của tỉnh, huyện về khoa học kỹ thuật, diện tích cà gai leo của gia đình anh đạt chất lượng tới 85% - 95%.Để đạt được những kết quả như vậy, trong quá trình sản xuất chị đã phải đảm bảo để cây sinh trưởng, phát triển gần giống với tự nhiên nhất, không phân hóa học, không thuốc trừ sâu hay hóa chất độc hại. Ngay từ cây giống đã phải lựa chọn kỹ càng, không có mầm bệnh; toàn bộ diện tích đất được phủ kín bằng nilon để tránh cỏ dại, sâu bệnh; phân bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ; cỏ được làm bằng tay, do vậy rất tốn công lao động…Nhưng cũng chính từ những việc làm khắt khe của mình mà toàn bộ sản phẩm của Công ty Chị được các công ty dược ở Hà Nội, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó mà chị yên tâm đầu tư trồng cà gai leo và mua sắm trang thiết bị sơ chế như máy ép, máy băm. Mỗi năm cà dây leo cho thu hoạch 2 đến 3 vụ. Bình quân mỗi ha cho thu hoạch 6 tấn với giá bán trung bình 40.000 đồng/kg. So với trước đây 1ha người dân chỉ thu được khoảng 30 – 40 triệu đồng nhưng nay cũng trên diện tích này vơi cây cà gai leo chị đã thu được khoảng 200 triệu đồng , giá trị cao gấp 4 – 5 lần. Không chỉ đem lại thu nhập ổn định, Công ty của chị Hằng còn góp phần tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động của địa phương với thu nhập ổn định.
Chưa dừng lại ở đấy chị Ngô Thị Hằng đang có ý định mở rộng diện tích trồng cà gai leo và phổ biến rộng rãi cho các hộ dân trong và ngoài huyện cùng hợp tác tham gia và Công ty của chị sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người dân . Việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho bà con vùng nông thôn miền núi.
Song để mở rộng quy mô, Chị cũng đề xuất mong muốn Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và theo Nghị định 65/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu. Với các điều khoản hỗ trợ về chính sách ưu đãi tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng, đồng thời giúp doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và phát triển thị trường.
Với những thành công của mô hình trồng cây cà gai leo mà Công ty TNHH XNK Công nghệ cao Lam Sơn ĐH của chị Ngô Thì Hằng sẽ hứa hẹn một hướng đi mới giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo, và làm giàu cho quê hương.
Tâm An