Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Nữ Già làng Kso Hơ Lâm & Bản tình ca Ia Mơ

Trong những câu chuyện xưa của già làng kể lại, luôn phảng phất cái “hồn” bất khuất kiên cường của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Và mùa thu này, thật thú vị ngồi nghe nữ già làng đầu tiên của người Gia Rai - làng Krông, bà Kso Hơ Lâm kể chuyện chống giặc đói, chống vượt biên trái phép...

Lúc 13 tuổi, Kso Hơ Lâm đã theo bộ đội đi làm giao liên, rồi về làm hậu cần, cáng thương binh, chuyển lương thực thực phẩm, vũ khí, thuốc men cho bộ đội.

Thời ấy, cô giao liên chưa biết chữ, những lúc rảnh rỗi, hễ gặp ai cũng nhờ dạy học. Nhờ sáng dạ, chẳng mấy chốc Kso Hơ Lâm đã viết được tên mình, tên quê hương, buôn làng và viết được cả những niềm vui, nỗi buồn trong những ngày đầu đi làm cách mạng…

  Nữ Già làng Kso Hơ Lâm & Bản tình ca Ia Mơ - Hình 1

Nữ chiến sỹ Quân Giải phóng, phục vụ chiến trường B3 - Kso Hơ Lâm

“Cán bộ bảo làm được, mình làm”…

Già làng Kso Hơ Lâm kể:

“Krông là một trong 4 bản của xã Ia Mơ, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai). Bản mình cũng như các bản khác, chủ yếu là người dân tộc Gia Rai, có lòng yêu nước và truyền thống cách mạng, cần cù chịu khó lao động sản xuất. Song, trình  độ dân trí còn rất thấp, ít được đi học, chỉ có vài người học hết cấp II; phong tục tập quán còn lạc hậu... Vì vậy, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn; hằng năm, số hộ thiếu ăn chiếm tới gần một nửa.

Năm 1982, mình được trên cho về nghỉ hưu với quân hàm thượng úy. Sau 20 năm tình nguyện gia nhập Quân Giải phóng, phục vụ  chiến trường B3, trở về thấy quê hương mình còn nghèo quá. Bà con lao động sản xuất chủ yếu vẫn là tự cung tự cấp; rồi nạn chặt phá rừng bừa bãi để làm nương rẫy. Giao thông lên xã thì chưa có. Muốn tổ chức một cuộc họp, có khi phải mất 2 - 3 ngày đi gọi, bà con mới về kịp.

Trong cuộc sống, người phụ nữ thường phải gánh chịu nhiều nỗi vất vả gian truân. Bởi theo phong tục của người Gia Rai thì người đàn bà là chủ mọi công việc trong gia đình: Vừa nội trợ, vừa nuôi con cái và giải quyết những vấn đề trong dòng tộc. Những chị em nào mà có đông con cái thì nỗi vất vả lại càng nhân lên”.

"Nhưng xưa nay, vẫn chỉ nghe ở các tỉnh Tây Nguyên, già làng thường là đấng mày râu?".

Già làng trải lòng:

“Thấy mình trở về quê, mang theo cái chữ, lại là một đảng viên, một cựu chiến binh, hăm hở tham gia công tác xã hội, bà con đã suy tôn mình làm già làng - điều chưa từng có trong tiền lệ ở vùng này.

Vì rằng, theo phong tục dân tộc Gia Rai thì, từ trước tới nay chưa bao giờ có nữ làm già làng. Hỏi cán bộ xã, bộ đội biên phòng, các cán bộ bảo mình làm già làng được. Rồi mình mới nói với bà con thế này: Kso Hơ Lâm vinh dự nhận trách nhiệm làm già làng, bà con tin, tín nhiệm thì mình làm thôi”.

Nữ Già làng Kso Hơ Lâm & Bản tình ca Ia Mơ - Hình 2

Nữ Già làng Kso Hơ Lâm

“Mình phải làm trước để dân tin”!

Già làng Kso Hơ Lâm chia sẻ:

“Đã nhận làm già làng thì mình phải nghĩ, nhưng chưa biết nghĩ - làm cách gì để cho dân hết đói, bớt nghèo, bài trừ dần các tập tục lạc hậu đang bám đuổi và đè nặng trên vai người dân bao đời nay?

Năm 1998, Chính phủ “cõng” Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 1998 – 2000 (Chương trình 133) và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) từ xuôi lên thì từ đó, Ia Mơ đã có dự án xây dựng đường giao thông, trường học. Nhân đà thuận lợi đó, mình đi vận động bà con định canh, định cư, thôi không phá rừng làm nương rẫy nữa, cùng chung sức lo làm ăn cho mau bớt đói nghèo...”.

“Qua thực tế nhiều năm gieo trồng trên mảnh đất khô cằn, năm chỉ cho 1 vụ lúa nhờ vào thời tiết, bằng những kinh nghiệm đúc kết được, già làng nhận thấy: Chỉ có chăn nuôi bò là tốt nhất. Nhưng “muốn cho dân tin thì mình phải làm trước”. Vậy là già làng gom góp đồng lương hưu để tậu bò. Năm đầu nuôi 1 con bò, năm sau tích cóp được lại tậu thêm... Đàn bò mỗi năm một sinh sôi. Sau 10 năm gia đình đã có 20 con bò. Bấy giờ, mới có điều kiện giúp đỡ bà con”, già làng Kso Hơ Lâm nhớ lại.

Bà con bảo, già làng đã chọn 7 gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất trong bản, cho mỗi hộ dân mượn một con bò mẹ để nuôi; sau khi bò đẻ, họ được giữ lại bê con và trả lại bò mẹ cho già làng. Cứ thế, qua 7 năm, hàng chục lượt chị em được mượn bò của già làng về nuôi cho sinh sản. Đến nay, Ia Mơ đã được vay hàng trăm triệu đồng từ Quỹ xóa đói giảm nghèo để phát triển đàn bò.

Ia Mơ thời tiết khắc nghiệt: Năm 6 tháng mưa, 6 tháng nắng. Đất trống bạc màu gần như không thể canh tác trong những tháng nắng hạn. Người dân, đại bộ phận chưa biết trồng cây gì. Già làng Kso Hơ Lâm như con chim rừng không biết mỏi chân mỏi cánh, đi nhiều nơi học hỏi xem nên trồng cây gì trên cái đất khô cằn này, cách thức chăm sóc ra sao… Được mách trồng cây điều, già làng mừng lắm. Lại về trồng thử rồi “hướng dẫn cho bà con sau”.

Tuy vậy, cũng phải nếm mùi thất bại mới có được thành công; phải đổ nhiều mồ hôi công sức mới tạo ra hàng chục ha vườn điều xanh tốt như bây giờ trên mảnh đất khô cằn từng bao năm  hoang hóa. Kết quả là đất trống, đồi trọc được phủ xanh. Cây điều trở thành “cây xóa đói giảm nghèo”; nhiều gia đình, nhờ đó có công ăn việc làm, tăng thu nhập.

Nữ Già làng Kso Hơ Lâm & Bản tình ca Ia Mơ - Hình 3

Trao đổi với cán bộ Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15)

Làm từ từ, làm từng bước một

Việc xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới cũng phải đấu tranh ghê gớm lắm và già làng lại phải đi tiên phong: Làm từ từ, làm từng bước một. Hễ vận động được chị em nào theo mình thì làm trước, rồi lấy đó làm gương mà vận động tiếp.

Có những hủ tục, chẳng hạn như người chết chôn chung rất gây ô nhiễm môi trưòng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng; hoặc như bà mẹ nào khi đẻ sinh đôi thì phải giết đi 1 đứa bé, thì mới nuôi được đứa kia... Đó là những hủ tục phi đạo đức, trái với pháp luật, nhưng cũng phải thuyết phục chán ra bà con mới hiểu và nghe theo.

Già làng đưa dẫn chứng:

“Chị Rơ Châm Choóc (làng Klả) và chị Kpả Gril (làng Náp) đều đẻ sinh đôi - cả dòng họ hai gia đình đó đòi bóp chết một em bé!

Nghe tin, mình đến tận nơi tuyên truyền, thuyết phục, nói cho bà con rõ, đồng thời giúp cấp gạo, đường, sữa để gia đình nuôi dưỡng các em bé. Đến nay, tất cả các cháu đều đã lớn, mạnh khỏe”.

Không biết từ bao giờ, già làng Kso Hơ Lâm trở thành một “địa chỉ” không thể thiếu trong lòng người dân miền biên giới này. Không riêng gì làng Krông, người dân ở các làng Khôi, làng Náp, làng Klả làng Ring..., hễ có việc gì khó giải quyết  thì đều tìm đến già làng để được giải đáp khúc mắc. Bất cứ chuyện gì trong làng, từ nhỏ đến lớn, từ chuyện xích mích gia đình, đến chuyện chăm người vừa sinh nở, rồi chuyện làm kinh tế..., ai ai cũng tìm đến để được già làng tư vấn.

Đặc biệt, từ đồng lương hưu, già tích lũy rồi cho người này vay mua bò đến người kia mượn mua rẫy. Hễ ai khó khăn thực sự, già làng đều giúp đỡ. Giúp nhiều đến nỗi, già làng cũng không còn nhớ đã giúp bao nhiêu người, không chỉ trong làng Krông mà còn có các làng bên cạnh. Các việc lớn nhỏ của làng, già làng đều đứng ra giải quyết; những tranh chấp trong làng luôn do già làng phân xử, đúng - sai đều rõ ràng. 

Krông trở thành bản đi đầu trong phong trào xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ mọi tập tục lạc hậu  của xã Ia Mơ. Đời sống người dân trong xã đã được nâng lên rõ rệt. Nhà cửa được lợp tôn - ngói hóa; điện - đường - trường - trạm được quy hoạch, xây dựng. Phần lớn hộ gia đình có tivi và xe máy, 100% số hộ dân có rađio, mọi tin tức thông tin từ Trung ương đã cập nhật tới từng gia đình...

Nữ Già làng Kso Hơ Lâm & Bản tình ca Ia Mơ - Hình 4

Trụ sở HĐND, UBND xã Ia Mơ

Đấu tranh chống vượt biên trái phép

Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, Rơ Lan Chim tự hào: Không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, nữ già làng Kso Hơ Lâm còn có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần giữ ổn định an ninh trật tự trên vùng biên giới này. Với sự hiểu biết, uy tín của mình, già làng đã góp phần đặc lực - giúp chính quyền khuyên răn bà con người địa phương không tin, không nghe theo kẻ xấu. Vì thế, xã biên giới Ia Mơ luôn duy trì được sự ổn định.

Một lần, có hai đối tượng là Rơ Lan Danh và Rơ Lan Bon (xã Ia Pia) vào làng Krông tuyên truyền đạo trái phép, phát tán tài liệu phản động về cái gọi là “nhà nước Tin Lành - Đề Gia”. Bà con thiếu hiểu biết, không rõ thực hư. Họ đem chuyện thắc mắc với già làng: “Nhà nước Đề Gia nó như thế nào?”.

Già làng giảng giải: “Làm gì có nhà nước Đề Gia của người Thượng. Từ trước tới giờ, chỉ có Nhà nước Việt Nam - do Bác Hồ thành lập thôi. Bọn này là bọn phản động, lừa phỉnh đồng bào mình đấy”.

Sau đó, một mặt già làng bí mật cho người đi báo với du kích xã và Đội công tác của Đồn Biên phòng 729, mặt khác tìm cách giữ chân chúng lại. Trước sự cảnh giác của nhân dân, bộ đội biên phòng và du kích xã đã bắt gọn 2 đối tượng trên. Cũng nhờ sự cảnh giác cao, người dân đã phát hiện và bắt giữ 4 vụ với 7 đối tượng vượt biên trái phép trên địa bàn xã…

Dường như chừng ấy chiến tích của ngày hôm qua vừa kể lại - nó còn nóng hầm hập và bởi vậy nó chưa thể dứt ra khỏi cái “cơn phừng phừng” của người nữ già làng Tây Nguyên, khiến cho già làng cảm thấy chưa thật sự hài lòng. Ở xã biên giới này, bà con không ai quên được vụ “gông cổ” 11 đối tượng xấu vượt biên trái phép, xảy ra vào ngày 15/8/2004.

Hôm đó, bà con (phần lớn là phụ nữ) thuộc các làng Náp, Krông, Klả, đang thu hoạch lúa rẫy thì bỗng phát hiện thấy có người lạ mặt lảng vảng tới khu vực hướng lên biên giới. Với tinh thần cảnh giác cao, tắp lự hội ý chớp nhoáng, anh Kpă Biak nhận nhiệm vụ chạy tắt xuyên rừng về báo cho cán bộ Đội công tác địa bàn - Đồn Biên phòng 729 và dân quân xã. Bà con tản ra các hướng lần tìm dấu vết kẻ khả nghi. Sau một hồi lùng vây, bà con phát hiện cả thảy 11 đối tượng lạ mặt, đang loay hoay tìm đường trốn sang phía bên kia biên giới.

Nhằm giữ chân các đối tượng và để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra, một chị nhanh trí, vẻ mặt giả bộ đắn đo: “Giờ này, bộ đội biên phòng thường đi tuần tra biên giới. Các anh có muốn đi thì hãy thư thư, đợi xẩm tối rồi hẵng tính”.

Trước thái độ “thật thà cởi mở” của bà con - những người dân bản địa của núi rừng biên giới, bọn xấu đã “ngoan ngoãn” nghe theo. Chúng đâu có biết mình đã bị “lọt vào thế trận - lòng dân” đã được sắp đặt. Cả bọn bị tóm gọn...   

Nữ Già làng Kso Hơ Lâm & Bản tình ca Ia Mơ - Hình 5

Làng tái định cư ở Ia Mơ

Sức mạnh lòng dân nơi biên giới 

Sau vụ đám người xấu được bọn phản động trong và ngoài nước kích động gây bạo loạn ở Tây Nguyên làm xôn xao dư luận, không ít bà con có tư tưởng hoang mang. Già làng Kso Hơ Lâm lại cùng với các cán bộ xã, cán bộ Đồn Biên phòng 729 đến từng bản, từng gia đình tuyên truyền giác ngộ, để họ thấy rõ âm mưu hoạt động chống phá của kẻ địch.

Già làng nói với họ: “Bà con phải hết sức cảnh giác, không nên nghe theo lời kẻ xấu. Chỉ có Đảng, Nhà nước do Bác Hồ sáng lập mới đưa lại cơm no, áo ấm cho nhân dân. Trước đây, xã ta đâu có trường học, bây giờ con em ta có trường để học. Nhà nước kéo điện về cho bà con ta thắp sáng. Ta có Đảng, có chính quyền, có bộ đội   biên phòng bảo vệ, sợ gì?”.

Xã Ia Mơ là nơi tiếp giáp giữa 2 tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc, dân cư thưa thớt nên các đối tượng người dân tộc thiểu số, nhất là ở khu vực Chư  Sê, Ayun Pa... thường lợi dụng sơ hở lén lút vượt biên trái phép sang Campuchia. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của quần chúng nhân dân.

Trước tình hình đó, già làng Kso Hơ Lâm đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ Đồn Biên phòng 729; tiến hành công tác tuyên truyền giúp bà con hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cũng như nhận rõ âm mưu thâm độc gây chia rẽ của kẻ thù.

Trong thời gian ở thành phố Plei Ku và một số nơi khác, do bọn xấu xúi giục mà một bộ phận quần chúng nhẹ dạ cả tin đã phản đối - đòi yêu sách (!). Nhưng rất mừng là tại các bản của xã Ia Mơ, không có người tham gia tụ họp, không có trường hợp nào vượt biên trái phép; hoạt động của “Tin Lành - Đề Gia” đã nhiều lần xâm nhập vào bản, nhưng chúng chưa kịp hoạt động gây rối thì đã bị phát hiện và dập tắt mau chóng.

Có thể nhận thấy rằng, chuyện người dân cùng với bộ đội biên phòng tham gia tuần tra, phát hiện và bắt giữ các đối tượng vượt biên trái phép - đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng ở Ia Mơ. Ý thức làm chủ biên giới của người dân được nâng lên, không chỉ nhờ vào công tác tuyên truyền giáo dục ở cộng đồng, mà còn ở ngay trong mỗi gia đình. Phải nói rằng: Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ biên giới ở xã Ia Mơ là rất đáng trân trọng!...

Và trong suốt 27 năm trên cương vị Trưởng bản - nữ già làng Kso Hơ Lâm luôn trăn trở, tìm cách để làng Krông, để xã Ia Mơr thoát đói nghèo! Với những kiến thức có được, già làng không ngừng nỗ lực hướng dẫn, giúp đỡ bà con ở buôn làng cải tạo vườn tược, trồng cây bắp, cây sắn, nuôi bò, nuôi lợn cải thiện cuộc sống…

Đối với nữ già làng Kso Hơ Lâm, điều vinh dự nhất đó là tham gia Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào quần chúng thực hiện “Ngày biên phòng toàn dân” tại Hà Nội…

Mùa thu lá vàng bay bay – thiên nhiên diệu kỳ! Mùa thu Ia Mơ – rộn ràng trong veo như bao bản làng trên khắp núi rừng Tây Nguyên bao la hùng vỹ. Về Ia Mơ, đi giữa nắng thu êm dịu, ân cần - nơi đại ngàn đưa tới; ngồi bên bếp lửa hồng bập bùng, xoe xoe đôi bàn tay nâng từng củ mớn củ mài “quý hiếm” - khắc ghi một thuở cơ hàn...

Ghi chép củaXuân Phong

Tin mới

Phú Yên xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP ASTA HEALTHCARE USA
Phú Yên xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP ASTA HEALTHCARE USA

Công ty cổ phần ASTA HEALTHCARE USA bị xử phạt do thay đổi thiết kế (tăng diện tích sàn) mà không lập thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng tại dự án nhà máy về dược phẩm tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1.

Những thông tin đáng chú ý của thị trường tài chính trong 24h qua
Những thông tin đáng chú ý của thị trường tài chính trong 24h qua

VN-Index mất thêm gần 20 điểm; Tỷ giá tăng 4,9%, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp; Margin "phình to" quý I và câu trả lời cho đà giảm của VN-Index; Mùa đại hội cổ đông, mùa tái cấu trúc doanh nghiệp!; Châu Á ra sức hỗ trợ tiền tệ khi đồng đô la tăng mạnh…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 20/4
Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 20/4

Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 20/4 về các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Shinhan Life Việt Nam vừa công bố Báo cáo Tài chính năm 2023
Shinhan Life Việt Nam vừa công bố Báo cáo Tài chính năm 2023

Shinhan Life Việt Nam vừa công bố Báo cáo Tài chính năm 2023 với doanh thu đạt 391 tỷ đồng, tỷ lệ thanh toán tối thiểu ở mức cao 10.721%.

PV Drilling (PVD) đặt mục tiêu lãi ròng năm 2024 đạt 380 tỷ đồng
PV Drilling (PVD) đặt mục tiêu lãi ròng năm 2024 đạt 380 tỷ đồng

Năm 2024, PV Drilling có kế hoạch đầu tư khoảng 2.661 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thực hiện các dự án chuyển tiếp từ năm 2023 như cụm thiết bị sửa giếng HWU, xây dựng nhà xưởng...

Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị giao ban công tác
Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị giao ban công tác

Chiều 19/4, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác nội chính, tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với văn phòng cấp ủy các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.