Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 30/6, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ đã giao cho tỉnh Ninh Bình là 6.459,903 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 611,380 tỷ đồng. Gồm vốn trong nước 519,380 tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án theo ngành, lĩnh vực; vốn nước ngoài 92 tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 5.848,523 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/6, tổng số vốn kế hoạch năm 2024 giải ngân đạt khoảng 2.115,592 tỷ đồng, bằng 32,7% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trong nước giải ngân đạt 53,505 tỷ đồng, bằng 10,3% kế hoạch vốn được giao; vốn ngân sách Trung ương nước ngoài giải ngân đạt 56,071 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch vốn được giao; vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân đạt 2.006,015 tỷ đồng, bằng 34,3% kế hoạch vốn được giao.
Ước tính đến hết ngày 30/9, tổng số vốn kế hoạch năm 2024 toàn tỉnh Ninh Bình giải ngân sẽ đạt khoảng 3.771,285 tỷ đồng, bằng 58,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Và ước tính đến hết ngày 31/12, tổng số vốn vốn kế hoạch năm 2024 giải ngân sẽ đạt khoảng 6.313,197 tỷ đồng, bằng khoảng 97,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Ninh Bình đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tỉnh đã thành lập tổ công tác về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; ban hành nhiều các văn bản chỉ đạo sát sao yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm có ý nghĩa quan trọng tạo ra động lực tăng tốc cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Cùng với đó, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường, thường xuyên kiểm tra thực tế tình hình triển khai thực hiện các dự án và kịp thời xem xét, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, vấn đề phát sinh, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án.
UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương điều hành chi ngân sách chủ động, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn vốn để đầu tư các công trình, dự án trọng tâm của tỉnh; thực hiện rà soát, cắt giảm các công trình, dự án chưa thực sự cần thiết, cấp bách; chỉ thực hiện giải ngân các công trình, dự án, nhiệm vụ theo tiến độ thu ngân sách.
Ngoài ra, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Việc tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng theo đúng quy định, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước được giao.
An Nguyên (t/h)