Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan quyết định vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ngoài thời gian vận hành mùa lũ theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm tuyệt đối an toàn hồ đập, vùng hạ du và sử nguồn nước hiệu quả.

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã lệnh Công ty thủy điện Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy vào sáng nay (30/9). Mực nước sông Đà, sông Hồng cũng lên nhanh.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn (Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ) Đinh Hữu Dương cho biết, mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội (khu vực cầu Long Biên) vào 7 giờ sáng nay đạt 3,52m. Đến 7 giờ sáng mai (1/10) dự kiến sẽ lên 3,7m, và tiếp tục tăng lên 4,2m vào 7 giờ sáng ngày 2/10. Dù vậy, mực nước cao nhất có thể lên vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với mức báo động 1 (mức báo động 1 tại trạm thủy văn Hà Nội là 9,5m).

Cùng với sông Hồng, mực nước các sông: Đà, Đuống cũng lên nhanh trong những giờ qua và còn tiếp tục lên cao hơn trong khoảng 2 ngày tới. Dù vậy, mực nước lên vẫn trong ngưỡng an toàn. Riêng mực nước sông Đáy tại Bà Thá (huyện Ứng Hòa) đang có xu hướng xuống dần.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mực nước sông Hồng lên cao, từ ngày 29/9, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo các tỉnh, TP thuộc lưu vực sông Hồng, bao gồm cả Hà Nội, tập trung triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn khi hồ chứa xả lũ. Tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, tình hình nguồn nước, hiện trạng các công trình ven sông, kịp thời báo cáo để có chỉ đạo điều hành phù hợp với tình hình.

PV