Ô tô nhập tràn về

Số liệu mới nhất được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, trong tháng 3, có thêm 6.700 ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam với mức giá trung bình 394 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm các loại thuế phí).

Tính chung 3 tháng đầu năm, đã có hơn 16.300 chiếc ô tô con nhập khẩu về Việt Nam, giá khai báo hải quan trung bình là 328 triệu đồng/chiếc (chưa gồm thuế phí).

So cùng kỳ năm 2016, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, đã tăng tới hơn 2 lần. Bởi 3 tháng năm 2016, chỉ có 6.900 chiếc ô tô con nhập về Việt Nam với giá nhập trung bình hơn 418 triệu đồng/chiếc (chưa gồm thuế phí).

Điều đó cho thấy, giá ô tô nhập về Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017 thấp hơn 90 triệu đồng so cùng kỳ năm 2016.

Ô tô nhập tăng mạnh, chủ yếu là từ các thị trường Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… Trong đó, Ấn Độ là thị trường xe nhập có giá rẻ nhất.

Ô tô giá rẻ dồn dập… tràn về - Hình 1

Ô tô nhập tràn về đã khiến nhiều DN ô tô trong nước…  "đứng ngồi không yên”!

Tại cuộc họp với các DN sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam ngày 28/2, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho rằng, việc thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong các nước ASEAN giảm xuống 0% từ ngày 1/1/2018, rõ ràng sẽ có tác động đến thị trường ô tô Việt Nam.

Phân tích số liệu thống kê nhập khẩu của Việt Nam và số liệu sản xuất, bán hàng của các nước ASEAN, ông Hoài cho hay, dường như các tập đoàn ô tô có kế hoạch tăng sản lượng tại Indonesia và Thái Lan để xuất khẩu sang Việt Nam, chỉ duy trì sản xuất ở Việt Nam với mức thấp. Hoặc cũng có thể đây là chiến lược trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường, chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất sau này khi quy mô thị trường Việt Nam đủ lớn, tuy nhiên đây không phải là xu thế chính.

Đại diện các DN lắp ráp ô tô tên tuổi ở Việt Nam như Toyota, Honda, Ford… cũng lần lượt nói về kế hoạch tương lai.

Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, ông Toru Kinoshita cho rằng, giá thành sản xuất xe trong nước vẫn đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc. Việc thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm còn 0% vào năm 2018 về góc độ thị trường là tốt, nhưng từ góc độ sản xuất thì đó là thách thức lớn.

Để ứng phó với khó khăn này, đại diện Toyota Việt Nam cho hay: Chúng tôi phải quy hoạch lại, thu hẹp lại những dòng xe sản xuất. Năm ngoái, chúng tôi sản xuất 5 dòng xe thì năm nay làm 4 dòng. Như vậy, 4 dòng xe này có thể tăng được sản lượng. Nếu sản lượng 1 năm giữ mức 50.000 xe thì chúng tôi sẽ cố gắng duy trì sản xuất.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục cân nhắc giải pháp này, từ 4 mẫu có thể sẽ giảm còn 2 - 3 mẫu, tập trung làm 2 - 3 mẫu và nâng sản lượng từng mẫu một”, đại diện Toyota nói.

Đua giảm giá để cạnh tranh

Trước tình hình xe nhập tràn về, xe nội cũng liên tục phải ứng phó bằng cách giảm giá. Nhiều mẫu xe tiếp tục được các DN giảm giá lên tới hàng chục triệu đồng khiến cho thị trường ô tô từ đầu tháng 4 tới nay liên tiếp đón nhận thông tin giá khuyến mãi. Đây là đợt giảm giá lớn thứ 3, tính từ đầu năm 2017 trên thị trường ô tô Việt Nam.

Đơn cử, Trường Hải vừa công bố giảm giá cho các mẫu xe Kia. Theo bảng giá mới vừa được công bố, 6 mẫu xe Kia lại tiếp tục giảm giá so với mức giá công bố hồi đầu tháng này.

Cụ thể, mẫu xe cỡ nhỏ Kia Morning được giảm thêm 3 triệu đồng; mẫu Cerato, Rondo và Sorento được giảm thêm 5 triệu đồng, trong khi Sedona và Optima có mức giảm giá thêm 10 triệu đồng. Đi kèm theo đó là những khuyến mại khác như tặng bộ phụ kiện hoặc bảo hiểm thân vỏ.

Một DN ô tô cho biết, năm 2016, do liên tục giảm giá xe, đã phải cắt giảm lợi nhuận bình quân từ 15% xuống còn 11% với mỗi chiếc xe bán ra.

"Năm 2017, để có thể giảm giá bán hơn nữa thì lợi nhuận sẽ bị cắt giảm xuống mức dưới 10% là khó tránh khỏi. Mặc dù vậy, các DN vẫn hy vọng vào chính sách của Nhà nước với ô tô sắp được ban hành. Nếu các chính sách này ban hành mà người tiêu dùng nhận thấy, chi phí mua xe năm 2018 không giảm so với hiện nay, thì mới có hy vọng giữ được doanh số bán không giảm”, đại diện DN này nói.

Phía các cơ quan quản lý cũng tăng cường kiểm soát trước làn sóng ô tô nhập. Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương thực hiện đúng quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, lưu ý kiểm tra việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của các nước ASEAN đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Nói về giải pháp cho ngành ô tô thời gian tới, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng đề xuất 4 nhóm giải pháp. Trong đó, sẽ tạo dựng thị trường ô tô trong nước đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước bằng các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại như giá khai báo thuế, gian lận tỷ lệ nội địa nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan; Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, cụ thể có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ thể nhập khẩu xe đối với người tiêu dùng, tương tự như đối với xe sản xuất trong nước.

Ngoài ra, ông Hoài cũng đề cập đến các giải pháp hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị cạnh tranh. Chẳng hạn, điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc nhỏ hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký…

Bùi Quyền