Các sản phẩm OCOP, đặc sản của tỉnh Tiền Giang góp mặt tại Thành phố Hà Nội (10/2023)
Các sản phẩm OCOP, đặc sản của tỉnh Tiền Giang góp mặt tại Thành phố Hà Nội (10/2023) (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang)

Trải qua 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay Tiền Giang đã xây dựng và công nhận 238 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, gồm 94 sản phẩm 4 sao và 144 sản phẩm 3 sao. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy có hơn 70% sản phẩm được chứng nhận OCOP của Tiền Giang có mức tăng trưởng cao, nhiều sản phẩm đã được đưa vào hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị…

Là khu vực có diện tích trồng cây ăn trái lớn của Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang là tỉnh có lợi thế lớn trong sản xuất nông nghiệp. Nhằm phát huy tốt những lợi thế vốn có, thời gian qua Tiền Giang luôn đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư, thu hút đầu tư đổi mới công nghệ từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ trái cây.

Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp lợi thế đạt danh hiệu sản phẩm OCOP của địa phương này có thể kể đến như: Xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng, lạp xưởng tươi Cai Lậy, khóm tươi và mứt khóm, trứng cút Nguyễn Hồ, bánh bún hủ tiếu Mỹ Tho, bưởi da xanh Mỹ Tho, thanh long Chợ Gạo, gạo VD20 Gò Công, sơ ri tươi và mứt sơ ri, rau an toàn, gà ta Gò Công, mắm tôm chà Gò Công, mãng cầu Xiêm tươi; nhóm đồ uống có 02 sản phẩm là rượu sơ ri và nước ép sơ ri, trà mãng cầu Xiêm,... Ngoài ra, về nhóm sản phẩm dịch vụ bán hàng, du lịch nông thôn của tỉnh Tiền Giang có Làng cổ Đông Hòa Hiệp và Du lịch Thới Sơn.

Thời gian qua, với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm OCOP của Tiền Giang đã xuất hiện tại nhiều cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh, các hệ thống siêu thị…, nhiều sản phẩm đã có doanh số bán hàng từ hàng trăm triệu đồng trở lên như: mắm tôm chà Gò Công, gà ta Gò Công…

Nhằm hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm địa phương, tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ 8 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo quy định nhận diện thống nhất của Bộ Công Thương. 

Đến năm 2025, tỉnh Tiền Giang phấn đấu ít nhất 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu trên trang web chuyên về OCOP của tỉnh; có ít nhất 70% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...; phấn đấu phát triển 10 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện mục tiêu đến năm 2025, địa phương này ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP trong khối các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đào tạo tập huấn cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.

Đặc biệt, đến năm 2025, có ít nhất 70% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu phát triển thêm 10 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Nhằm đạt mục tiêu đề ra, từ nay đến năm 2025, địa phương kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về đẩy mạnh Chương trình OCOP triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, thực hiện biên soạn, in ấn các tài liệu để phục vụ công tác tuyên truyền, hướng dẫn trên địa bàn tỉnh như: Sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP, tờ gấp tuyên truyền Chương trình OCOP nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ và Nhân dân, nhất là chủ thể sản xuất để hiểu rõ về lợi ích, giá trị kinh tế tích cực trong thực hiện Chương trình OCOP. Theo đó, kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh.

Giai đoạn 2022 - 2025, huyện tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP với các sản phẩm đặt thù như mai kiểng cổ, các sản phẩm chế biến từ yến, chả lụa, mắm, cơm cháy chiên, gà tre, các sản phẩm rượu chế biến từ nấm linh chi, đông trùng hạ thảo...

Hiện, Tiền Giang tập trung mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Tỉnh tạo mọi điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP và nông, lâm, thủy sản của tỉnh có thêm nhiều cơ hội tiếp cận hệ thống phân phối lớn, hiện đại tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi nhất là các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng...

Mới đây, vào tháng 11/2023 Tiền Giang đề nghị Trung ương công nhận 4 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao. Những sản phẩm này bao gồm Sản phẩm sầu riêng đông lạnh (đạt 92,4 điểm) của Công ty TNHH MTV Trái cây Thủy (xã An Thái Đông, huyện Cái Bè); sản phẩm Trà trái mãng cầu xiêm (đạt 94 điểm) của Công ty TNHH Travipha (xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông); sản phẩm Điểm du lịch Trại rắn Đồng Tâm (đạt 92,7 điểm) của Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu, Quân khu 9 (xã Bình Đức, huyện Châu Thành) và Sầu riêng trái tươi (đạt 90,7 điểm) của Công ty TNHH Tâm Thùy (xã Long Tiên, huyện Cai Lậy).

Sắp tới, tỉnh sẽ phát triển thêm nhiều điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tiền Giang còn  hỗ trợ tem sao, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc QR code dành các chủ thể đạt chứng nhận OCOP và hướng dẫn các hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký vay tín dụng tại Quỹ đầu tư phát triển tỉnh để thúc đẩy phát triển sản phẩm và tăng trưởng doanh thu.

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng tăng cường xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; tổ chức quảng bá các sản phẩm OCOP tỉnh qua các hội chợ, diễn đàn trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia hội chợ, triển lãm trong nước. 

Tỉnh hỗ trợ giới thiệu và đưa sản phẩm OCOP thương mại điện tử và cổng thông tin điện tử kết nối OCOP; giúp các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên cổng thông tin du lịch tỉnh; hỗ trợ hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, homestay, farmstay…

PV (t/h)