Ngân hàng Standard Chartered tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 ở mức 6,7% và năm 2023 ở mức 7%.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa, các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục phục hồi trong tháng 06/2022. Sự phục hồi có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau 02 năm đóng cửa. Tuy nhiên, giá dầu thế giới gia tăng cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế”.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dự báo: Từ nay tới cuối năm, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao và các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng ở mức 7,0% - 7,5%.
Để có thể giữ lạm phát ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Cần đẩy mạnh phòng ngừa biến chủng mới của dịch Covid-19. Đây là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng; đồng thời Chính phủ phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, thời gian tới, Việt Nam cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm; cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần có sự theo dõi chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.
“Kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hoá, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý. Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng: Dù còn nhiều rủi ro, bất định gia tăng nhưng với sự phục hồi tích cực nửa đầu năm, tăng trưởng GDP cả năm nay quanh mức 7% là khả thi. Các điểm tích cực của nền kinh tế có thể thấy từ cả cung và cầu.
Q.N (t/h)