THCL - Vấn đề chi phí của bảo hiểm xã hội quá lớn và phải tính đến giải pháp kéo dài tuổi nghỉ hưu để bảo đảm an toàn cho quỹ bảo hiểm xã hội được nêu lên tại buổi họp báo Chính phủ tháng 2/2017.
Ông Phạm Lương Sơn khẳng định vấn đề chi phí quản lý và việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không liên quan đến nhau (Ảnh minh họa)
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cơ quan này đang cùng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đưa ra Dự thảo Tờ trình để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng chỉ đạo trước đó.
Với tư cách là người phát ngôn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ông Sơn khẳng định vấn đề chi phí quản lý và việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không liên quan đến nhau. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, thực chất là phục vụ cho việc bảo đảm vấn đề an toàn, lâu dài cho quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí của Việt Nam.
Liên quan đến thông tin báo chí đưa ra về chi phí của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong năm 2015 quá cao, lên tới 7.407 tỷ đồng, tăng khoảng 75,8% so với năm 2014, ông Sơn cho hay:
"Việc Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán hoạt động của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua là hoạt động hết sức bình thường.
Tuy nhiên, sau báo cáo kiểm toán thì hàng tháng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đều định kỳ có thông tin kịp thời cho báo chí. Rất đáng tiếc, thông tin cho rằng chi phí quản lý bộ máy quá lớn tăng khoảng 75,8% là chưa chính xác. Thực chất, dự toán kế hoạch chi năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ có 6.560 tỷ đồng (tăng khoảng 59% so với kế hoạch 2014) nhưng việc tăng này chủ yếu để phục vụ cho những nhiệm vụ cấp bách và cần thiết của cả hệ thống, những khoản này năm 2014 và các năm trước đó chưa được bố trí kịp.
Thứ nhất, chi cho công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây là đòi hỏi rất cấp bách. Nhờ công tác tuyên truyền này mà năm 2015, 2016 những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã có bước phát triển ngoạn mục. Với 81,7% người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm y tế và đang phấn đấu nâng tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội..
Thứ hai, chi cho đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện giao dịch điện tử trong bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ rất cấp bách, cần thiết. Thông qua việc đẩy mạnh công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thực hiện những cải cách hành chính được ghi nhận bởi World Bank, giảm còn 32 thủ tục hành chính, giảm số giờ giao dịch từ hàng trăm giờ xuống còn 49 giờ và đang phấn đấu đến năm 2017 đưa số giờ giao dịch xuống còn 45 giờ.
Thứ ba, chi ứng dụng CNTT theo yêu cầu của Nghị quyết 68 của Quốc hội. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phấn đấu đến năm 2018 hoàn thành đúng yêu cầu của Quốc hội là đưa ứng dụng CNTT, giao dịch điện tử, hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đi vào hoạt động đồng bộ, hiện đại hóa.
Thứ tư, chi phục vụ trực tiếp cho đối tượng tham gia hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây là nhu cầu rất lớn vì đối tượng tham gia tăng, đối tượng thụ hưởng tăng, mở rộng các mạng lưới đại lý thu cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì cũng phải tăng chi trực tiếp cho các đối tượng. Thực chất việc chi cho quản lý chỉ tăng có 6% so với năm 2014.
Xin nhấn mạnh thêm, quá trình lập dự toán và trình duyệt là rất chặt chẽ, thận trọng. Lập dự toán rồi báo cáo, giải trình trước Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sau đó thẩm định, chất vấn rồi mới trình Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ của chúng tôi là thực hiện đúng theo quyết định đó của Thủ tướng và hướng tới việc tiết kiệm chi phí sao cho hiệu quả để bảo đảm chủ trương của Chính phủ".
Đoàn Huế