Vậy "Ông vua lụa" Khaisilk có được xem là phạm tội hình sự không? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia kinh tế, luật sư, nhà báo xoay quanh vấn đề này, trong khi chờ các cơ quan chức năng có kết luận chính thức.
Chữ tín trong kinh doanh
Trước những thông tin mà báo chí đăng tải, ông Hoàng Khải – chủ của Khaisilk đã thừa nhận “Khaisilk đã bán sản phẩm made in ChiNa từ những năm 1990” và cúi đầu xin lỗi khách hàng đã sử dụng sản phẩm của Khaisilk.
Tuy nhiên, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào sân chơi của khu vực và thế giới về lĩnh vực kinh tế và thương mại. Hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp mang về cho đất nước khoảng 200 tỉ USD mỗi năm.
Tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng Khaisilk (Hà Nội) hôm 26/10, đoàn kiểm tra của Bộ Công thương đã phát hiện doanh nghiệp này có dấu hiệu vi phạm xuất xứ hàng hóa.
Nên theo Nhà báo Đại tá Đào Văn Sử - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, thì Khaisilk là một thương hiệu danh tiếng của Việt Nam về sản phẩm lụa tơ tằm. Nếu đúng như nói báo chí đăng tải, thì Khaisilk không đáng tầm của thương hiệu mà bấy lâu người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng và kỳ vọng.
Vì vậy, nếu thông tin báo chí đăng tải là đúng, thì Khaisilk không chỉ gây tổn hại tới chính doanh nghiệp của mình. Mà rộng hơn là uy tín của hàng Việt Nam, cũng như hình ảnh của cả quốc gia trên trường quốc tế”. Đại tá Đào Văn Sử cho hay.
Và theo phân tích của TS. Nguyễn Minh Hằng - Trưởng khoa Luật Đại học Ngoại thương, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế cho rằng, trong môi trường kinh doanh quốc tế, chữ tín rất quan trọng. Bởi vì ở đó, liên kết đối tác là một hoạt động không thể thiếu nhưng một trong những điều cơ bản để có thể liên kết đó chính là doanh nghiệp phải có uy tín, có niềm tin của đối tác. Từ đó, doanh nghiệp mới có thể tạo được liên kết, tạo nên sức mạnh để cạnh tranh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Dương - Chuyên gia trải nghiệm khách hàng, Nguyên Giám đốc Quốc gia Singtel Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, một DN bị phá sản là “cái chết” về mặt tài chính, nhưng mất đi chữ tín chính là “cái chết” về mặt xã hội. Vì thời đại kinh doanh ngày nay là thời đại của khách hàng. Họ là kênh truyên thông tốt nhất vì “có khả năng” tiếp cận với các nhà phân phối trên toàn thế giới mà không có rào cản nào. Chính điều này đặt ra yêu cầu cạnh tranh lớn, mà uy tín của doanh nghiệp là giúp năng lực cạnh tranh hiệu quả.
Cũng chia sẻ quan điểm, Ls.Nguyễn Kiều Hưng – Giám đốc hãng Luật Giải Phóng, cho rằng hành vi sử dụng hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc gắn mác Việt Nam của Khaisilk là không thể chấp nhận được. Bởi điều đó, không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khi xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ. Mà còn trái với đạo đức kinh doanh, làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của đất nước, trong hợp tác giao thương, cũng như phát triển du lịch.
Cần một phiên tòa khẩn trương và nghiêm túc
Từ năm 2005, Việt Nam đã có Luật Sở hữu trí tuệ và quyền của người tiêu dùng cũng đã được bảo vệ. Vì vậy, theo nhà báo Đào Văn Sử thì việc Khaisilk bóc nhãn Made in China trên lụa Trung Quốc để dán nhãn “made in Vietnam” mang thương hiệu Khaisilk vào, nhằm bán với giá cao, chính là hành vi gian lận thương mại.
Đặt 1 lô hàng hôm 15/10 nhưng đến khi nhận sản phẩm anh Quỳnh mới phát hiện lô hàng của mình có 2 nhãn mác, bức xúc anh Quỳnh đã đăng tải trên mạng facebook
“Trường hợp Khaisilk vi phạm nói trên là cực kỳ nghiêm trọng. Vì họ có hàng triệu sản phẩm trên thương trường và hành vi của họ đã kéo dài đến gần 30 năm. Nên tôi thiết nghĩ Bộ Công thương và tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sớm vào cuộc. Đồng thời, cơ quan điều tra cấp bộ cần khẩn trương làm rõ, lập hồ sơ truy tố”. Nhà báo Đào Văn Sử nêu ý kiến.
Trao đổi với chúng tôi, Ls. Nguyễn Kiều Hưng gọi hành vi của Khaisilk là “sự lừa dối trắng trợn”. Bởi hành vi này đã diễn ra trong suốt hơn hai thập kỷ, gây thiệt hại cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng bao nhiêu thì doanh nghiệp này thu lợi bất chính bấy nhiêu.
Và theo LS Hưng, hành vi thay đổi nhãn mác, là vi phạm nghiêm trọng một số điều “cấm” không chỉ được thể hiện trong Luật Thương mại, Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng, mà còn một số điều của Bộ Luật hình sự như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (điều 156); Tội lừa dối khách hàng (điều 162). Ngoài hai dấu hiệu rõ nét này, ông chủ của Khaisilk còn có khả bị xem xét trách nhiệm hình sự về các hành vi liên quan đến thuế, buôn lậu và sở hữu trí tuệ…
“Đây là hành vi không thể chấp nhận. Nên cần phải xử lý nghiêm để bảo vệ người tiêu dùng và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Đồng thời, chiếu theo Luật thì khả năng cao hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì những hậu quả của nó mang lại”. LS Nguyễn Kiều Hưng cho biết thêm.
Rõ ràng, nếu chiếu theo Luật thì hành vi của Khaisilk là vi phạm “Các hành vi bị cấm” quy định tại điều 10 Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (Bao gồm các hành vi: Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng) và là “Hành vi vi phạm pháp luật về thương mại” quy định tại điều 320 Luật Thương mại (Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả hoặc nguyên liệu, vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng giả, kinh doanh trái phép; Gian lận, lừa dối khách hàng khi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Vi phạm quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu; Vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa..).
Bên cạnh đó, hai Luật trên cũng quy định, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả, các hành vi nói trên sẽ bị phát hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy “Ông vua lụa” Khaisilk có bị truy tố hình sự không, phải chờ kết luận chính thức của các cơ quan chức năng.
Trước đó, ngày 23/10 sau khi anh Đặng Như Quỳnh mua 1 lô hàng gồm 60 chiếc khăn lụa tơ tằm Việt Nam tại cửa hàng của Khaisilk (Hà Nội) để tặng cho đối tác, với giá 644.000 đồng/chiếc. Nhưng anh đã phát hiện ra 1 chiếc khăn của lô hàng này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: "Khaisilk Made in Vietnam" và "Made in China". Sau đó, anh Quỳnh kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại, anh cũng phát hiệu dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ "Made in China".
Tuy nhiên, khi đến cửa hàng khiếu nại thì một đại diện của cửa hàng Khaisilk vẫn khẳng định chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm. Chiều 26/10, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương, đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã đến kiểm tra địa điểm kinh doanh của Khaisilk tại 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm-Hà Nội) và đã phát hiện doanh nghiệp này có dấu hiện vi phạm pháp luật về xuất xứ hàng hoá. Đồng thời thu giữ 52 mẫu sản phẩm khác nhau gồm: khăn, quần áo, caravat... với tổng trị giá trên 30 triệu đồng. Chiều 27-10, ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cũng cho biết đã giao cơ quan thuế trên địa bàn Hà Nội xem xét trách nhiệm thuế, doanh thu tài chính của Khaisilk.
Bảo Lan