Tạo niềm tin cho doanh nghiệp
Phát biểu tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, điểm số PCI 2017 bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay và gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số của mình.
“Niềm tin của cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy: 52% DN tư nhân trong nước và 60% DN FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây”, ông Lộc nói.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, PCI 2017 trong hành trình cải thiện môi trường kinh doanh, các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều bứt phá, rút ngắn một cách ngoạn mục khoảng cách với các tỉnh/thành phố thuộc nhóm tiên phong. Tác động cải cách đã lan tỏa. Năm tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đầu tàu kinh tế của cả nước (Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) đã có cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành, lần đầu tiên đã góp mặt đầy đủ trong trong top 15 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong năm qua.
Tuy nhiên, theo báo cáo điều tra PCI 2017 thì môi trường kinh doanh vẫn còn những điểm tối: Tính minh bạch của môi trường kinh doanh chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho DN chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...
PCI 2017 - những gam màu sáng tối
Đặc biệt, năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% DN còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% DN vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức.
Xu hướng tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất được nhấn mạnh là đáng lo ngại. Kết quả điều tra cho thấy DN đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh, mức độ rủi ro bị thu hồi đất gia tăng.
DN cho biết sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, họ gặp phải rất nhiều phiền hà trong các thủ tục về giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân hay các thủ tục quy định khác của tỉnh (44% DN trả lời).
Khoảng một phần ba (32%) DN đánh giá quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của DN, khiến nhiều lô đất xa cơ sở hạ tầng hiện có hoặc ở các địa điểm thuận tiện, chẳng hạn như lân cận các cơ sở gây ô nhiễm hoặc quá gần các khu dân cư. Một phần tư các DN nhận định rằng việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng, theo báo cáo.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, đối với các DN có đất mà muốn trao đổi, chuyển nhượng hay thuê, vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Chỉ có 25% DN tham gia điều tra trả lời rằng họ không gặp khó khăn gì khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc mua, chuyển nhượng hay thuê đất, giảm so với con số 29,7% của năm 2016.
Ngoài ra, 75% DN cho biết gặp phải ít nhất một trong số các khó khăn liên quan đến thời hạn giải quyết hồ sơ dài hơn, quy trình thủ tục không đúng, cán bộ nhận hồ sơ không hướng dẫn đầy đủ; DN phải trả phí không chính thức... Theo DN, vấn đề lớn nhất đó là thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết (58%) và DN buộc phải trả thêm chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ (47%).
Kết quả điều tra từ PCI cũng cho thấy mức độ ổn định trong quá trình sử dụng đất của các DN đang xấu đi, mức độ rủi ro bị chính quyền thu hồi đất đối với DN ngày càng cao. Đáng lo ngại hơn, DN cho rằng mức bồi thường không thỏa đáng đối với mặt bằng kinh doanh nếu bị thu hồi (chỉ có 28% DN cho biết mức bồi thường là thỏa đáng).
“Những lo ngại này có tác động rất tiêu cực đến đầu tư, vì DN khi phải đối mặt với những rủi ro này sẽ rất dè dặt đầu tư trên khu đất mà họ biết rằng sẽ có thể bị thu hồi”, nhóm nghiên cứu PCI nhận định.
Đột phá cải cách hành chính
Theo đánh giá của Trưởng ban Chỉ đạo PCI Vũ Tiến Lộc, điểm số PCI trung vị có được cải thiện, dù đang có sự chững lại của các ngôi sao cải cách thuộc nhóm tiên phong với điểm số chỉ quẩn quanh ở mức 70/100,
Điều đó cho thấy, cải cách cần có thêm những động lực mới, trong đó, việc tiếp tục cải cách thể chế với khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính ở cấp các bộ ngành Trung ương cần được đẩy mạnh để có thể nâng trần thể chế, tạo thêm dư địa cho cải cách ở cấp địa phương và cơ sở. Theo hướng này, yêu cầu cải cách cắt giảm bắt buộc tối thiểu 30 - 50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018 của tất cả các bộ, ngành theo nghị quyết của Chính phủ sẽ là một giải pháp quan trọng.
Ông Lộc cũng nhấn mạnh, một trong những thách thức phát triển quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là năng lực còn hạn chế của các DN tư nhân trong việc cải thiện năng suất và mở rộng quy mô để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Dù số lượng DN thành lập mới gia tăng, nhưng khu vực DN tư nhân lại đang nhỏ đi, cả về quy mô vốn và lao động. Hội chứng thiếu vắng các DN cỡ vừa chưa được khắc phục. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp ngang tầm thế giới. Chỉ 14% DN Việt có lĩnh vực hoạt động chính là chế tạo.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao (gấp gần 2 lần GDP), nhưng khu vực tư nhân vẫn hướng vào thị trường trong nước là chủ yếu, xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các FDI (tới 70%). Chỉ 11% DN tư nhân trong nước có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu; 6% DN tư nhân có cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các DN FDI. Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI cho các DN nội địa thấp nhất trong ASEAN...
Dẫn nhận định từ báo cáo PCI là Việt Nam có chất lượng quản trị DN thấp so với các chuẩn mực quốc tế và so với chính các FDI đang hoạt động tại Việt Nam, ông Lộc cho rằng việc quốc tế hóa DN tư nhân, nâng cấp chất lượng quản trị của khu vực DN tư nhân là một hướng đi cấp thiết để DN Việt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp Việt Nam có thể thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
Hoan Nguyễn