Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết như vậy tại hội thảo "Nâng cao năng lực nhận diện hàng thật - hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ cho lực lượng chức năng và doanh nghiệp" do JETRO và Tổng cục Quản lý thị trường đồng tổ chức ngày 24/11.
Những mục tiêu đầy kỳ vọng và quyết tâm khi Việt Nam đang tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do (nơi yêu cầu rất cao tính thực thi của công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) đã dấy lên những hy vọng mới trong công tác phòng chống hàng gian, hàng giả vốn ì ạch nhiều năm qua.
Để thực hiện được mục tiêu này, từ nay đến 2025, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường nhiều biện pháp để không còn tình trạng bày bán hàng nhập lậu, hàng giả một cách công khai ở cửa hàng, trung tâm mua sắm.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hiện nay, để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng gian, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, Việt Nam có khoảng 8 lực lượng tham gia công tác này. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát hiện và xử lý.
Đặc biệt vào dịp cuối năm, tình trạng hàng nhập lậu bao gồm hàng giả tiếp tục diễn biến nóng, các mặt hàng buôn lậu phổ biến vẫn là rượu, thuốc lá, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, sở dĩ tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp là do thời gian qua, chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc.
Tại một số địa phương, chính quyền chưa quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao; còn có biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Để nâng cao công tác đấu tranh, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại, các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của hàng giả. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất cần tuyên truyền để người dân nhận biết hàng thật, hàng giả; có trách nhiệm phối hợp, phát hiện xử lý hàng giả, hàng nhái; thường xuyên giám sát việc tiêu thụ hàng hóa trên thị trường; cải tiến công nghệ, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Các lực lượng chức năng cần tham mưu, sửa đổi quy định không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; nắm bắt tình hình, chỉ đạo quyết liệt; xây dựng phương án bắt giữ những đối tượng cầm đầu sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường đã nêu ra hàng loạt nguyên nhân lý giải vì sao hàng giả vẫn hoành hành ở Việt Nam như do vị trí địa lý giáp nhiều quốc gia, đường biển dài, người tiêu dùng có thu nhập thấp, sính hàng ngoại... Thế nhưng, đó mới chỉ là lý do khách quan.
Sự buông lỏng trong quản lý đối với hàng giả của các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả tràn lan trên thị trường. Tại nhiều thành phố du lịch, trung tâm thương mại, tình trạng bán hàng giả đã trở thành "thương hiệu" và là địa chỉ quen thuộc cho du khách, người dân đến mua và sử dụng.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả ở Việt Nam dần chuyển sang mặt trận khác, rất nóng bỏng mà lực lượng quản lý thị trường Việt Nam đang phải đương đầu. Đây là kênh phân phối nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ; hàng hóa giả mạo các thương hiệu lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Từ nay đến cuối năm là dịp buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm gia tăng. Đặc biệt các mặt hàng trang thiết bị, dụng cụ y tế như khẩu trang không đảm bảo chất lượng, cồn sát khuẩn tự pha chế, không rõ nguồn gốc, đồ bảo hộ giả, nhái sẽ có dịp tung hoành, bày bán tràn lan trên mạng xã hội. Người tiêu dùng có thể bị đánh lừa bất cứ lúc nào mà không hề hay biết.
Chúng ta xác định cuộc chiến chống hàng giả, hàng gian là cuộc chiến không dễ dàng. Nhưng để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và quyền lợi người tiêu dùng luôn được bảo vệ, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chính sự tự giác của người tiêu dùng. Điều đó cũng để bảo vệ hình ảnh thương hiệu Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, bảo vệ thương hiệu "made in Vietnam".
Với cơ quan chức năng, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường hợp tác quốc tế thì quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng đội ngũ cho lực lượng quản lý thị trường, năng lực thực thi, điều tra phát hiện cũng như xử lý vấn đề hàng gian, hàng giả.
Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng kêu gọi các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của mình, bảo đảm chất lượng đối với công bố, chịu trách nhiệm trước pháp luật, sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp mình sản xuất, kinh doanh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu.
Trang Nguyễn
(Bài viết tuyên truyền theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/05/2020)