Là doanh nghiệp được nhượng quyền thương hiệu mỹ phẩm Etude House của Hàn Quốc, thế nhưng lãnh đạo Công ty TNHH thương mại Mỹ phẩm Etude House Việt Nam không ngờ rằng hiện nay trên thị trường, sản phẩm của doanh nghiệp lại được bày bán ở rất nhiều khu chợ của TP Hồ Chí Minh. Sản phẩm trông không khác gì sản phẩm của công ty, nhưng độ sắc sảo của vỏ bao bì thì không bằng, còn chất lượng thì không thể nào đảm bảo được.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng cung ứng Công ty Etude House Việt Nam cho biết, công ty đã gửi đơn lên các cấp chính quyền để điều tra làm rõ sự việc. Tuy nhiên, cấp chính quyền cho biết đây là điều rất là khó, do nhập khẩu song song, không phải cơ quan quản lý, thanh tra nào cũng có thể giải quyết vấn đề đó một cách triệt để.
Do đó thật giả lẫn lộn, có khi sản phẩm được chế ngay trong nước bằng nhiều thứ hóa chất độc hại nhưng lại được bán với giá cao. Vì vậy, thiệt hại nhất vẫn là người tiêu dùng, còn doanh nghiệp làm ăn chân chính lại bị ảnh hưởng rất nhiều từ hàng nhái, hàng giả và hàng không rõ nguồn gốc.
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, việc đấu tranh với loại tội phạm này rất phức tạp. Vì vậy cần phải có chính sách phù hợp cho lực lượng chống buôn lậu, chống hàng gian, hàng giả và khen thưởng kịp thời, bảo vệ những người tố giác tội phạm. Ngoài ra, hiện nay, khung hình phạt xử lý hàng giả, hàng lậu còn quá yếu, quá thấp; mức xử phạt như vậy không đủ sức răn đe. Đặc biệt, muốn chống hàng giả, hàng lậu triệt để thì cần phải làm quyết liệt tận gốc, tức là từ cơ sở phường, xã.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây tọa đàm “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: Thực trạng và giải pháp”, bà Đỗ Thị Minh Thủy, đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, để chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, câu chuyện đầu tiên cần nói đến là vấn đề pháp lý. Hoàn thiện các quy định về mặt pháp lý là việc tiên quyết hàng đầu. Chúng ta cần rà soát, chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
“Một trong những vấn đề quan trọng là các quy định về xuất xứ hàng hóa (Made in Vietnam). Trong thời gian qua chúng ta vẫn còn lúng túng, chưa đưa ra được hướng dẫn chi tiết thế nào là hàng hóa Made in Vietnam, nên một số vụ việc chưa xử lý được triệt để”, bà Thuỷ nêu thực tế.
Để khắc phục hạn chế này, bà Thuỷ cho biết, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm tạo ra khung, sườn để các lực lượng chức năng bám vào đó thực hiện.
Một vấn đề khác liên quan tới các doanh nghiệp, bà Thuỷ cho rằng, dường như doanh nghiệp chưa tự chủ trong bảo vệ quyền lợi của mình. Doanh nghiệp cần biết tới các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của mình: Tự bảo vệ bằng các biện pháp công nghệ; khởi kiện dân sự những vụ việc qua đó yêu cầu bồi thường thiệt hại; phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, hải quan, thanh tra chuyên ngành…
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng cần phải có sự “thông thái”, biết chọn lọc thông tin, lựa chọn sử dụng những sản phẩm chính hãng, có uy tín, có thương hiệu. Đặc biệt, người tiêu dùng cần sử dụng “quyền tối thượng” của mình là lên án hay tẩy chay sản phẩm làm giả, sản phẩm kém chất lượng, kiên quyết không vì giá rẻ mà chọn mua, sử dụng “hàng fake, hàng nhái”.
Trang Nguyễn