Thời gian qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo doanh nghiệp, người dân. Những nỗ lực từ nhiều phía đã góp phần hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hiện nay, hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ có mặt ở các trung tâm thương mại, siêu thị mà còn xuất hiện tại nhiều cửa hàng bán lẻ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa với chủng loại phong phú, đa dạng.
Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 80% tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị…và trở thành kênh hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu trong tiêu dùng mua bán sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. CVĐ đã góp phần không nhỏ trong việc khích lệ, động viên doanh nghiệp đổi mới công nghệ và cách thức quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường cũng được đẩy mạnh, như: Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; chương trình bán hàng Việt khuyến mại; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các điểm bán hàng Việt nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, hàng đặc trưng vùng miền…
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, người tiêu dùng trong cả nước đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước; tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng; hàng hóa, sản phẩm trong nước sản xuất có tỷ lệ tiêu thụ ngày càng tăng, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi rẻo cao.
Ghi nhận tại nhiều địa phương miền núi Tây Bắc cho thấy, các cửa hàng tạp hóa mở nhiều, dự trữ số lượng lớn hàng hóa với nhiều chủng loại khác nhau, từ nhu yếu phẩm đến các mặt hàng gia dụng, trong đó 95% là hàng Việt để cung ứng cho người dân, bảo đảm đầy đủ và không bị đội giá, ngay cả trong thời gian xảy ra dịch Covid-19.
Việc người dân ưu tiên sử dụng các mặt hàng sản xuất trong nước rất quan trọng, không chỉ tiết kiệm chi tiêu mà còn góp phần chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Nhằm nâng cao hiệu quả triển khai CVĐ, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vừa qua, Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các cấp, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ trong tình hình mới. Theo đó, những cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản của CVĐ.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng tăng cường tuyên truyền về CVĐ trên các lĩnh vực, các đơn vị thành viên; đóng góp ý kiến về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy mạnh mẽ vai trò các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, chú trọng các hoạt động phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam và hàng hóa của đơn vị doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, nhất là bán hàng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử kết hợp hài hòa với kênh phân phối truyền thống, phù hợp với diễn biến của đại dịch Covid-19 của các cấp, ngành, doanh nghiệp.
Trong thời điểm hiện nay, khi tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc tích cực tuyên truyền và hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó linh hoạt với dịch bệnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng Việt Nam mạnh mẽ, hiệu quả.
Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam đánh giá, CVĐ đã được triển khai sâu rộng, nhưng tính thuyết phục và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương vẫn chưa cao. Các doanh nghiệp chưa chú trọng về công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, gắn nhãn mác sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tạo lòng tin với người tiêu dùng. Tại một số nơi, CVĐ còn mang tính hình thức, riêng lẻ, độc lập, chưa gắn kết nên chưa phát huy hết sức mạnh của các địa phương. Trong hoạt động đưa hàng về nông thôn, một số doanh nghiệp còn lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng đã hết thời hạn sử dụng…, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, từ đó, làm giảm ý nghĩa thiết thực của CVĐ.
Để nâng cao hiệu quả vận động người Việt dùng hàng Việt trong tình hình mới, các cấp, các ngành, địa phương cần phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp.
Đồng thời, thường xuyên biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người Việt Nam tin dùng hoặc có nhiều thành tích trong thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Hoan Nguyễn
(Bài viết theo Nghị định 84 của Chính Phủ)