THCL Tòa soạn nhận được đơn thư phản ánh của anh Phùng Việt Long, trú tại Tổ 12, phố Long Châu Sa, phường Thọ Sơn (TP. Việt Trì) về việc CSGT - Công an TP. Việt Trì giữ phương tiện đã hơn 3 tháng, sau khi vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 18/1/2016 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, ngày 18/1, khi đang điều khiển xe tải BKS 19C-028.04 trên QL2 hướng từ Phù Ninh về trại giam Phủ Đức, thuộc địa phận phường Vân Cơ (TP. Việt Trì), anh Long đã bật tín hiệu xi nhan xin đường rẽ vào hướng đi trại giam (tại thời điểm đó, tầm nhìn không bị hạn chế) và giảm tốc độ. Tuy nhiên, khi cua gần hết phần đường, bỗng anh nghe thấy có tiếng động lạ phía sau đuôi xe nên dừng lại kiểm tra và phát hiện có một người đàn ông đang nằm dưới đất, xe máy nằm cách đó không xa. Kiểm tra lại xe, anh phát hiện thanh sắt bảo vệ đèn bên phải bị cong, gãy và người điều khiển xe máy đã tự đâm vào đuôi xe của anh.
Theo tìm hiểu, người đàn ông điều khiển xe máy tên là Tạ Văn Kỷ, thường trú tại xã Thụy Vân (TP. Việt Trì). Sau khi xảy ra vụ va chạm, anh Long đã gọi người đưa anh Kỷ đi cấp cứu, nhưng trong lúc khiêng anh Kỷ lên xe đi cấp cứu, anh Long phát hiện trên người anh Kỷ nồng nặc mùi rượu. Tuy nhiên, bước đầu anh Long đã hỗ trợ gia đình nạn nhân số tiền 20 triệu đồng để lo viện phí.
Điều lạ là vụ tai nạn giao thông xảy ra từ ngày 18/1, nhưng mãi đến ngày 13/4, Công an TP. Việt Trì mới lập biên bản tạm giữ xe (?). Vậy trong khoảng thời gian 3 tháng giữ phương tiện, tại sao lại không lập biên bản tạm giữ? Phải chăng, đây là cách làm việc theo “luật riêng” của CSGT - Công an TP. Việt trì?
Tại khoản 8, Điều 125 - Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh, nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1, Điều 66 của luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quy định tại Điều 66 của luật, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 điều này".
Đối chiếu theo quy định, việc tạm giữ phương tiện của CSGT TP. Việt Trì đang bộc lộ nhiều “khuất tất” - cần được làm sáng tỏ. Tại sao anh Kỷ tham gia giao thông với nồng độ cồn cao lại không có chế tài xử lý? Và nếu sự việc có dấu hiệu tội phạm, tại sao không chuyển ngay sang CSĐT trong thời gian cho phép?
Để làm rõ phản ánh của bạn đọc, PV Thương hiệu & Công luận đã liên hệ với Công an tỉnh Phú thọ và được sự chỉ đạo làm việc trực tiếp với Công an TP. Việt Trì, nhưng hết lần này tới lần khác, lãnh đạo Công an TP. Việt Trì chỉ với lý do “bận họp”? Hơn nữa, PV cũng đã để lại những thông tin cần làm rõ và đại diện Phòng Công tác chính trị (Công an TP. Việt Trì) cho biết sẽ có văn bản trả lời sớm nhất, sau khi lãnh đạo đi họp về. Tuy nhiên, đã gần 10 ngày trôi qua, vẫn chưa có bất kỳ động thái nào từ phía lãnh đạo Công an TP. Việt Trì với cơ quan báo chí?
Đề nghị Ban lãnh đạo Công an tỉnh Phú Thọ sớm vào cuộc - chỉ đạo Công an TP. Việt Trì làm rõ những nội dung thắc mắc và có công văn trả lời đối với Thương hiệu & Công luận.
Cao Huyền – Quang Nam