Tiêu bản của loài cua mới này được công bố trong lễ bàn giao mẫu sinh vật cho Bảo tàng Quảng Ninh để phục vụ công tác trưng bày, nghiên cứu khoa học vào ngày 11-12. Buổi lễ diễn ra tại Bảo tàng Quảng Ninh, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.
Đặc biệt, trong số đó có một loài cua hoàn toàn mới được phát hiện trong quá trình các nhà khoa học thực hiện điều tra, kiểm kê, thiết lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh.
Đây là một phần kết quả của "Nhiệm vụ điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh".
Trong 22 mẫu sinh vật mà Bảo tàng tỉnh tiếp nhận dịp này, đáng chú ý là 11 tiêu bản của 9 loài mực có giá trị kinh tế cao phân bổ phổ biến tại vùng biển Quảng Ninh. 8 tiêu bản của 4 loài bạch tuộc cỡ nhỏ thuộc giống Amphioctopus lần đầu ghi nhận bổ sung cho danh mục động vật chân đầu tại vùng biển Quảng Ninh nói riêng và vùng biển ven bờ Tây vịnh Bắc Bộ nói chung. Một mẫu tiêu bản của loài bạch tuộc cỡ lớn lần đầu ghi nhận cho vùng biển Việt Nam.
Đặc biệt, còn có 2 mẫu tiêu bản của loài cua nước ngọt là loài mới (Chinaptamon insulare), chỉ phân bố ở một số đảo của Quảng Ninh (Đảo Ba Mùn, Cái Lim, Cô Tô, Thanh Lân). Kết quả xác định loài mới đã được gửi cho Tạp chí quốc tế có uy tín Zootaxa để công bố trong thời gian sớm nhất.
Các nhà khoa học đầu ngành đánh giá tuy số lượng tiêu bản không nhiều, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn, góp phần khẳng định thêm giá trị đa dạng sinh học ở vùng biển, đảo ven bờ tại Quảng Ninh. Việc Bảo tàng tỉnh bổ sung trưng bày các mẫu tiêu bản này sẽ thu hút những nhà khoa học trên thế giới tới nghiên cứu, nâng cao chất lượng trưng bày phục vụ khách tham quan.
Trần Trang (t/h)