Trung Quốc phát đi cảnh báo sau khi họ phát hiện một ca bệnh nghi dịch hạch thể hạch (Ảnh: AFP)
Theo Reuters, cơ quan y tế thành phố Bayan Nur thuộc khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc đã ban hành lênh cảnh báo hôm 5/7 sau khi một bệnh viện ở địa phương này thông báo về một ca bệnh nghi là dịch hạch thể hạch.
Hiện thành phố Bayan đang đặt cảnh báo cấp độ 3 trên hệ thống 4 cấp độ ở Trung Quốc. Lệnh cảnh báo sẽ cấm săn bắt, ăn uống động vật có thể mang mầm bệnh dịch hạch và yêu cầu người dân báo cáo về bất cứ ca nghi nhiễm dịch hạch hoặc bị sốt mà không có nguyên nhân rõ ràng, cũng như thông báo nếu họ phát hiện ra bất cứ con sóc đất nào bị ốm hoặc chết.
Hồi năm ngoái, Nội Mông đã từng nghi nhận 4 ca dịch hạch, bao gồm 2 ca mắc dịch hạch viêm phổi, một biến thể dễ gây chết người hơn.
Dịch hạch thể hạch còn được gọi là “Cái chết đen” vào thời Trung Cổ. Nó là một bệnh truyền nhiễm cao và có thể gây chết người. Bệnh này lây lan chủ yếu bởi loài gặm nhấm.
Các ca dịch hạch không phải là hiếm ở Trung Quốc, nhưng nước này chưa phát hiện nhiều ổ dịch của bệnh này.
Trung Quốc lên tiếng về cúm lợn G4
Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc hôm 4/7 nói rằng virus cúm lợn G4 không phải là mới và không dễ lây nhiễm hay khiến con người và động vật dễ bị bệnh.
Tuần trước, trong một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí của Mỹ, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra một chủng virus cúm lợn có nguy cơ gây bùng phát đại dịch. Chủng này được đặt lên là G4.
Các tác giả nói rằng G4 “sở hữu mọi đặc điểm có thể thích nghi cao để lây nhiễm cho con người”. Các nhà khoa học cho biết virus G4 có thể lây từ động vật sang con người nhưng chưa có bằng chứng nó có thể bị truyền từ người qua người. Tuy nhiên, họ lo ngại rằng nếu con người nhiễm G4, sự thích nghi của virus này sẽ gia tăng trên con người và có thể tăng nguy cơ bùng phát thành đại dịch ở người.
Tuy nhiên, phía Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho rằng nghiên cứu trên đã bị giới truyền thông đưa tin “cường điệu và không thực tế”.
Bắc Kinh cho rằng quy mô mẫu thử của nghiên cứu nói trên là quá nhỏ để rút ra được kết luận có tính đại diện và bài viết đã thiếu bằng chứng đầy đủ để kết luận G4 đã trở thành chủng lây lan phổ biến giữa loài lợn.
Theo dantri.com.vn